12/26/2016

Con Trải Quê Hương Dài Ra Trước Mặt

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)
thơ & nhạc / copyright NS Dzuy Lynh
album Nỗi Hờn Chiến Mã
singer DL | model Destiny Nguyen 


Con trải quê hương dài ra trước mặt
Cúi đầu trông, và dõi mắt mong chờ...
Máu của mẹ già, nước mắt em thơ 
Là tấm bình phong phơi khô nỗi nhớ

Con khóc non sông bơ phờ tan tác
Một mảnh dư đồ rách nát tan hoang
Hòn Ngọc Viễn Đông thôi còn trong sáng
Hóa đá chôn vùi dưới tảng băng đen

Biết có chừng nao thôi thúc tiếng kèn
Những cánh chim di về bên tổ ấm
Không tiếng quân reo, chinh bào máu đẫm
Không súng không gươm... no ấm dân mình!

Ai xé quê hương ra làm hai mảnh?
Tổ quốc trân mình thao thức năm canh
Ai bán non sông, đồng tranh, ruộng lúa?
Để mẹ quê hờn lệ túa thâu đêm...

Con trải quê hương thảm cỏ êm đềm
Trên nền áo dài rừng lá thênh thang
Đốt bỏ tro than sao vàng tả đỏ
Vùi kẻ phi nhân cho mục cỏ tuyền đài

Con trải quê hương dài ra trước mặt
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên tay
Vững niềm tin rồi sẽ có một ngày
Tha hương, quốc nội sum vầy tương lai

Con trải quê hương dài ra trước mặt
Giữ vẹn hình hài; thêm thắt mà chi
Hào kiệt, anh thư! Ai còn dũng khí?
Hỡi những Con Người, đứng dậy mà đi!


tháng chạp.hoànghoalũng. dzuy lynh













12/23/2016

Phép Lạ Tại Bịnh Viện Saint Martha

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe truyện đọc)


AUDIO TRUYỆN ĐÊM GIÁNG SINH

Tác giả Douglas How|dohop chuyển ngữ|dzuy lynh diễn đọc



Miracle at St Matha’s – Tác giả Douglas How ghi lời kể của Bác Sĩ J.A. MacDougall – dohop dịch


Cô ta có vẻ như đã cầm chắc cái chết trước ngày Noel. Thế nhưng một chuyện kỳ lạ bắt đầu xảy ra.

Tháng chạp năm đó, cuối cùng tôi đã phải nói cho cô ta biết. Về phương diện y khoa, chúng tôi đã bị bại trận. Kết cuộc của trận chiến này đang ở trong tay Thượng Đế. Cô ta đã lắng nghe và chấp nhận điều tôi nói một cách lặng lẽ, nằm đó nhưng sự sống của cô đang bị bào mòn dần, cô ta chỉ mới 23 tuổi và là mẹ của một đứa bé một tuổi.

Tôi xin được gọi cô ta là Ý Liên. Ý Liên là một phụ nữ ngoan đạo và can đảm. Ý Liên có mái tóc nâu đỏ và có lẽ đã là cô gái có nhan sắc, nhưng lúc này thì khó có ai mà nghĩ như vậy: cô ta đã quá gần với cái chết vì bệnh lao. Và bây giờ thì chính Ý Liên đã biết mình gần kề cái chết, cô ta chỉ có một thỉnh cầu.

Ý Liên nói với tôi một cách chậm rãi. “Thưa bác sĩ, nếu tôi vẫn còn sống trong đêm Giáng Sinh, tôi muốn bác sĩ hứa với tôi là sẽ cho tôi về nhà ăn Noel.”

Tôi hơi bối rối. Tôi biết là cô ta không nên về nhà. Thùy dưới của lá phổi bên phải của cô ta có một cái khoang đầy dẫy vi trùng lao đang nảy sinh, đường kính của cái khoang này khoảng 2 phân rưỡi. Cô bị cái mà bọn bác sĩ chúng tôi gọi là “lao mở”, cô ta có thể phát tán vi trùng lao khắp mọi nơi khi ho.

Thế nhưng tôi đã hứa với Ý Liên và, thú thật, tôi hứa chỉ vì tôi đã quá chắc chắn là cô ta sẽ chết trước đêm Noel. Trong tình huống đó, có lẽ tôi chẳng có thể làm gì thêm được nữa. Thế nhưng nếu tôi không có lời hứa đó thì hôm nay tôi đã không có câu chuyện này để kể.

***

Chồng của Ý Liên đã mang mầm bệnh khi anh ta trở về nhà sau khi phục vụ cho thế chiến thứ II ở ngoại quốc. Một trường hợp nhẹ và anh ta đã không biết mình bệnh. Trước khi bệnh được phát hiện và được khám, họ làm đám cưới. Ý Liên bị lây và cơ thể không đủ miễn nhiễm để chống bệnh. Bệnh lao đã đến quá lẹ và vi trùng tích tụ ở một chỗ quá hiểm, nó đánh gục mọi bác sĩ nào cố gắng giúp cô.
Rất hiếm khi một khoang lao lại cư ngụ ở thùy dưới của phổi. Khi Ý Liên được nhập viện vào viện điều dưỡng của tỉnh, vấn đề chính mọi người dần dà thấy rõ là làm sao để xử lý cái khoang này. Giá mà nó ở thùy trên thì các bác sĩ phẩu thuật có thể làm thoracoplasty bao gồm việc lấy ra vài xương sườn ở phần trên để làm sụp thùy và phần phổi đó được tạm ngưng làm việc. Thế nhưng phẩu thuật này không thể làm được ở thùy dưới bởi vì như thế có nghĩa là phải tháo xương sườn ở phần dưới, mà xương sườn phần dưới này cần phải tồn tại để nâng đỡ cơ thể.

Các bác sĩ phải gạt bỏ việc làm thoracoplasty và thử làm một thủ thuật y khoa để gây ra chứng tràn khí ngực "giả" hay là artificial pneumothorax. Không khí được bơm qua một cái kim để tạo áp suất buộc phổi phải sụp. Mặc dù chúng tôi thử mấy lần, cách này cũng chẳng hiệu lực; mấy đợt viêm màng phổi đã làm phổi của Ý Liên dính với thành ngực, và không khí không thể lưu thông.

Cuối cùng, các bác sĩ nghĩ đến việc lấy toàn bộ lá phổi ra ngoài (khá hiếm vào thời đó) - nhưng rồi bỏ ý định bởi vì Ý Liên đã quá yếu để mà có thể chịu nổi cuộc giải phẩu, và mỗi ngày cô ta mỗi yếu thêm. Hoàn toàn không còn cách nào khác nữa để đối phó, các bác sĩ của Ý Liên miễn cưỡng xếp trường hợp của cô vào loại "không còn hy vọng" và gửi trả cô ta về bệnh viện nơi địa phương của cô.

Lúc cô về đến viện, tôi mới 30 tuổi. Tốt nghiệp trường Y năm 1942, tôi đã gia nhập binh chủng không quân, và lúc đó tôi đã được đào tạo xong để trở thành chuyên viên gây mê khi chiến tranh chấm dứt. Tôi chấp nhân nhiệm sở của tôi tại bệnh viện St Martha, nơi tôi có nhiệm vụ gây mê và đáp ứng những nhu cầu về y học cho các sinh viên y khoa tại hai trường đại học của địa phương. Tôi cũng được yêu cầu chăm nom bộ phận Lao của bịnh viện, với khoảng 40 bệnh nhân, hầu hết bị bệnh kinh niên với hy vọng quá mong manh hoặc không còn hy vọng được chữa khỏi. Đó là cái duyên mà Ý Liên trở thành bệnh nhân của tôi vào năm 1947.

Trước đó cô ta nặng 56 ký rưỡi, nhưng khi tôi gặp Ý Liên lần đầu, cô ta đã nhẹ hơn 40 kí-lô. Cô ta sốt cao, khoảng 39 độ. Cô ta rất yếu và nhìn rất bệnh hoạn. Thế nhưng cô ta vẫn cười. Tôi sẽ không quên được điều đó. Chỉ cần tử tế với Ý Liên một tí xíu thôi là cô sẽ cười.

Có lẽ điều đó đã khích lệ tôi thật nhiều. Tôi không biết. Nhưng tôi biết tôi phải cố gắng giúp Ý Liên. Tôi điện thoại cho một bác sĩ ở Nữu Ước, vị bác sĩ này đang thí nghiệm một phương pháp mới gọi là pneumoperitoneum hay tràn khí phúc mạc.

Phương pháp này gao gồm việc bơm khí vào khoang màng bụng để đẩy cơ hoành đè lên lá phổi. Nếu chúng tôi có thể gây áp lực vào thùy dưới, chúng tôi có thể đóng cửa được cái ổ lao. Nếu làm được điều này cái khoang có cơ hội để tự lành khi vách khoang phát triển cùng một lúc.

Cuộc giải phẩu đã diễn ra ngày hôm sau. Chúng tôi bơm không khí vào khoang màng bụng, và suýt tí nữa chúng tôi đã giết Ý Liên. Sự thật quá rõ ràng là lượng không khí mà cô ta có thể chịu đựng nổi chẳng giúp ích được gì hết. Các bác sĩ trong phòng đều đồng ý là chúng tôi không nên thử lần thứ hai. Khả năng của chúng tôi đã tận.

Đó là lúc mà tôi nói cho Ý Liên biết Y Học ngày nay đã chỉ đạt được đến trình độ như thế. Tôi nói cho cô ta biết Đấng Tạo Hóa của cô sẽ cho lời phán xét cuối cùng và có thể đó không là kết quả mà chúng tôi hoặc Ý Liên muốn, nhưng trong tình huống như vậy, biết đâu đó là điều tốt nhất cho bản thân cô. Ý Liên gật gù và đã xin được lời hứa đó của tôi.

***

Lạ lùng thay, Ý Liên vẫn còn sống sót trong đêm Noel, nhưng chỉ vừa đủ sống. Khoang lao vẫn phát triển không ngừng; cái chết đã quá gần kề với cô ta đến nỗi cô ta đã được làm phép lễ cuối cùng của Nhà Thờ Thiên Chúa. Thế nhưng cô ta buộc tôi phải thực hiện lời tôi đã hứa.

Với những nghi ngờ mới hơn, tôi giữ lời hứa. Tôi khuyên Ý Liên đừng ôm con và đeo khẩu trang mỗi khi muốn nói chuyện với bất cứ ai ngoại trừ chồng cô. Anh ta đã có được sự miễn nhiễm nhờ đã nhiễm bệnh trước đó.

Ý Liên trở lại bệnh viện Martha vào cuối ngày Noel, và cô ta vẫn trong tình trạng sút kém. Không ai có thể không hết sức cảm động khi nhìn cô chống chọi với bạo bệnh. Mỗi ngày tình trạng của Ý Liên tệ thêm, thế nhưng cô ta vẫn bám vững vào cuộc sống. Tình trạng này tiếp tục kéo dài và kéo từ tuần này sang tuần khác trong sự ngạc nhiên tận cùng của chúng tôi.

Cho đến cuối tháng hai, Ý Liên chỉ còn cân nặng dưới 37 kí-lô; cô ta ăn không được và thêm nhiều rắc rối mới xảy ra. Cô ta bắt đầu ói mửa - ngay cả khi trong bụng chẳng có gì hết. Tôi thật sự mù tịt. Tôi gọi một cố vấn y khoa bậc đàn anh; và ông ta cũng đầu hàng luôn. Bỗng mắt ông ta nheo lên và hỏi tôi gần như là đùa cợt, ông ta hỏi tôi có bao giờ nghĩ là Ý Liên đang ốm nghén không.

Tôi vẫn còn nhớ giây phút đó, cảm giác của tôi lúc đó. Cái ý nghĩ đó quả là lố bịch đến tột cùng. Mọi hiểu biết về y khoa của tôi đều dẫn đến một kết luận duy nhất: Ý Liên đã quá bệnh, quá yếu, cô ta không thể nào có thai được. Đơn giản là cơ thể của cô ta không thể làm nổi việc đó. Dù sao đi nữa, tôi yêu cầu một cái test, thử thai cho cô ta. Và tôi vô cùng ngạc nhiên vì kết quả là dương tính. Ý Liên chỉ bấp bênh giữa vành đai ngoài cùng của cuộc sống thế mà trong cô nay lại có một mạng sống nữa. Một điều gần như không thể tin được lại là sự thật.

Chúng tôi có đầy đủ thẩm quyền về y khoa và pháp lý để hủy cái thai đó; cái thai đang làm nguy hiểm một mạng sống đã ở trong tình trạng bị hỏng. Nhưng chúng tôi đã không làm việc đó. Ý Liên và chồng cô chống lại việc phá thai. Chúng tôi, các bác sĩ ở bệnh viện St Martha cũng chống, không chỉ vì chúng tôi theo đạo Thiên Chúa, nhưng vì chúng tôi biết chắc chắn là thủ thuật đó sẽ kết liễu Ý Liên. Bên cạnh đó, cô ta đã quá xa sự sống, chúng tôi chắc chắn cơ thể cô thế nào cũng sẽ tự loại trừ thai nhi.

Cô ta đã vật lộn với bệnh, với cái thai trong nhiều tuần, và không bao giờ chúng tôi có một chút nghi ngờ gì về sự vĩnh viễn ra đi của Ý Liên, cô ta đang hấp hối. Thế nhưng cô ta vẫn bám víu vào sự sống. Và cô ta vẫn giữ được đứa trẻ trong bụng cô ta. Và khoảng cuối tháng 6 năm 1948, một chuyện không thể tin được đã xảy ra. Cô ta bắt đầu giảm sốt. Lần đầu tiên chúng tôi nhận thấy được tình trạng của Ý Liên có đỡ hơn, và chiều hướng đó đã tiếp tục. Cô ta đã bắt đầu ăn và lên ký. Một tấm phim quang tuyến X của Ý Liên cho thấy cái khoang lao đã ngừng phát triển. Không bao lâu sau, một tấm phim X quang thứ hai cho chúng tôi biết tại sao. Cơ hoành đang đẩy lên thùy dưới của lá phổi bệnh hoạn của Ý Liên để tạo chỗ cho em bé mà cô ta đang mang thai. Thiên nhiên đã làm đúng cái việc mà chúng tôi làm không được. Các vách của cái hố chết người đó đang bị ép lại. Đứa trẻ đang cứu mẹ nó.

Đứa trẻ đã thật sự cứu Ý Liên. Đến lúc đứa bé được sinh ra, một em bé bình thường và khỏe mạnh, cái khoang lao đã bị đóng kín. Người mẹ đã khỏe một cách rõ rệt, rõ đến nỗi chúng tôi cho phép cô về nhà luôn trong vòng ít tháng. Nụ cười của Ý Liên chưa bao giờ sáng như vậy.

***

Bạn nói đó là ý Trời; bạn nói đó là tình người; hay bạn cho đó là sự mầu nhiệm của tình mẫu tử, dựa vào chính khả năng của mình để chiến đấu thêm nữa bởi vì người mẹ có thêm lý do để mà chiến đấu thêm; bạn có thể gọi bất cứ ngôn từ nào bạn thích. Việc đó đã thật sự xảy ra. Và tôi vẫn không hiểu thấu được ý nghĩa của sức mạnh bí mật đó.

Tôi cũng nhớ, trong sự vui sướng, những thiệp giáng sinh Ý Liên đã gửi cho tôi trong nhiều năm sau đó. Các thiệp này rất bình thường, với những lời chúc đã in sẵn và tên của Ý Liên. Thế nhưng đối với tôi, tất cả những tấm thiệp này là những lâu đài tạo ra bởi phép lạ.


Copyright 1972 by Douglas How. dohop phỏng dịch, 25/6/2010

* Đây là chuyện khá xưa. Ngày nay những phụ nữ mang thai sẽ không nên chụp hình quang tuyến X. Tất cả những phụ nữ dù chỉ có một tí xíu nghi ngờ là mình mang thai nên thông báo cho nhân viên y tế, bác sĩ biết trước khi chụp quang tuyến x hay xin toa thuốc.








12/16/2016

Khi Cha Già ...

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Ó Biển Lý Khải Bình | nhạc Thần Ưng Django | poster bh
Model Lý Khải Bình và ái nữ Lý Minh Thu ( Vietnamese Young Marines )
Copyright NS DL . Singer DzuyLynh
(tặng đồng đội Mũ Xanh - Việt Nam & Hải ngoại)



Khi cha già cha sẽ ra đi. Dưỡng trí viện cha vào nơi đó
Cuộc đời có đến, có đi. Con ơi đừng có sầu bi làm gì
Khi cha già, nơi viện dưỡng lão. Chiến hữu Cha lác đác mấy người
Ông nào cũng lão, nhão người. Bước đi không vững vẫn vào thăm nhau
Khi cha già, nơi viện dưỡng lão. Mỗi thứ Hai cha vững tay chào
Quốc Kỳ không gió lao xao. Quốc Ca tự hát nghe nao nao lòng
Khi cha già, nơi viện dưỡng lão. Lính mũ xanh còn đó đời cha
Ó Biển tung trời giương cao móng vuốt. Giặc khiếp oai danh, vang khắp chiến trường
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Nối chí cha mũ xanh con đội
Giầy sô, quân phục rằn ri. Hãy mang, hãy mặc mà đi tiếp đường
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Con nối gót Bà Trưng, Bà Triệu
Xá gì thân phận nữ nhi. Cá Kình con chém, đạp tan sóng bằng
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Chút lòng son với nước với non
Con ơi! Cố giữ cho tròn. Thay cha bước tiếp con đường Việt Nam
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Cha chỉ muốn Cờ Vàng ấp ủ
Xác minh nguồn gốc Quốc Gia. Cha con là Lính Việt Nam Cộng Hòa
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Áo quan xin chớ, cạc-tông thì dùng
Tay con bấm nút, lửa bùng. Sau hai ba tiếng chỉ còn chân dung
Khi cha già, cha sẽ ra đi. Tro cốt cha đưa về Quê Mẹ
Rải trên đất nước Việt Nam. Để cha phù trợ an bang cõi bờ
Khi cha già, cha sẽ ra đi ! Khi cha già... cha sẽ ra đi...







12/15/2016

Đông Hát

(photo by Yến Đỗ)


(tặng cns YếnThy và những tiếng hát du ca Canada)



Tuyết giăng khuất bóng mặt trời
Rừng phong trơ nhánh bời bời lá khô
Đông băng giá Toronto
Canada thiếu nắng hơ tình nồng
Tha hương nửa kiếp phiêu bồng
Nương con sóng nhạc mênh mông đàn chèo
Giọng cao dỗ kẻ gieo neo
Tiếng trầm ru những phận nghèo sa cơ
Hát cho con trẻ bơ vơ
Cho người bạc phận thân sơ không nhà
Hát cho thế giới ta bà
Ấm lòng trong giải đông hà giá băng
Hát cho người dựa xe lăn
Hát cho tráng sĩ mấy trăng chưa về
Hát cho vơi nỗi não nề
Hát cho ai vẹn lời thề trung trinh
Hát cho tổ quốc điêu linh
Cho người ái quốc thọ hình ngục lao
Hát cho tan tuyết trên cao
Hát cho cháy rực lửa trào đuốc thiêng
Cho quê hương hết oan khiên
Hát cho tan chảy xích xiềng ngoại bang
Hát cho tổ quốc nguy nàn
Cho ngày sum hiệp Cờ Vàng tung bay


đỗlanchy. mùađôngcali.2016








12/12/2016

Thư Xuân

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)



(Mến gởi những tù nhân lương tâm Việt Nam) 
thơ Cao Nguyên / nhạc Dzuy Lynh
Copyright NS DL & CN . Singer Dzuy Lynh . Poster bh. Dec 112016


Em đang đọc thư Mẹ gởi vào tù 
Gợi anh nhớ thuở trong tù anh nhận thư 
Âm thầm khóc qua từng nét chữ 
Cha anh dặn: "Hãy giữ lòng tin! 
Đời là một hành trình khó nhọc 
Mỗi bước đi phải thật đàng hoàng 
Và biết sống với lòng tử tế 
Ngẩng cao đầu nhìn mặt kẻ thù!" 
Cảm ơn em cũng vì tình dân tộc 
Đã lên đường nhập cuộc đấu tranh 
Em bước tới với chân thành tâm nguyện 
Vì dân sinh quên tuổi trẻ chính mình 
Anh và Em, hai thế hệ một kẻ thù 
Hai không gian nhưng cùng chung dòng máu 
Vững tin nhé, những người em yêu dấu! 
Đường đi lên cần phấn đấu nhiệt thành 
Bao mùa Xuân em nhìn qua song cửa... 
Tù giam em chứa đầy ắp hận thù 
Chúng giam em cho chùng lòng tranh đấu 
Mà quên cùng một dòng máu Việt Nam 
Nếu phải khóc vì lá thư Mẹ gởi? 
Khóc đi em cho Tổ Quốc hài lòng! 
Vì Quê Hương còn những người như thế 
Trong đau thương vẫn ngạo nghễ tiếng cười!








Thành Phố Mẹ



(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)



thơ Cao Nguyên / nhạc & trình bày Dzuy Lynh
Copyright: NS DL & CN. Poster: bh Dec 102016


Cali có Little Sài Gòn 
Paris có Sài Gòn Phố không em? 
Mà dẫu có một Sài Gòn ở đó 
Cũng chỉ là thành phố mượn tên 
Để mỗi lần gọi lên là nhớ 
Sài Gòn - thành phố Mẹ phía bên kia 
Bên tuổi trẻ đã buồn chia máu lệ 
Bên niềm vui chỉ để kể người nghe 
Vui như lá me bay trong chiều mưa tháng Hạ 
Có phượng hồng cài mái tóc yêu thương! 
Ôi nỗi nhớ viết sao vừa giấy mực 
Khi tim ta thổn thức nhớ Sài Gòn! 
Chừ em bước trên một thành phố mới 
Có những con đường mang tiếng nói Việt Nam 
Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống 
Cũng chỉ là một góc cuộc đời qua 
Ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork 
Có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn? 
Thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển 
Những con đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương 
Những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé... 
Giữa đời ta là cả một trời thương! 
Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển 
Không phải một thời, mà mãi ngàn đời 
Trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông 
Trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt!








12/09/2016

Muốn Trả Lời Con Cứ Nghẹn Ngào

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Phú Yên / nhạc Dzuy Lynh . Dec 92016
( dzuylynh tặng đồng môn SVSQ Khóa 5/71 Kontum TSQTBTĐ & QLVNCH )
Copyrigth 2016 NS DL & PY | Singer Dzuy Lynh | Poster bh


Quê mình mãi tận ở đâu, Ba?
Nửa vòng trái đất có thật xa?
Tại sao mình phải lìa xa cách,
Tại sao mình cứ nhớ thương hoài!
Ba nghe đau quá, câu con hỏi
Muốn trả lời con, cứ nghẹn ngào...
Ngày đi, ngày đến lo cơm áo
Đêm sống, hồn đau giấc chiêm bao!
Ba thân lính trận không tròn phận
Từ buổi trưa hè, Tháng Tư Đen
Giặc Cộng tràn vào, nghe lệnh: thoái!
Trời ơi!... Tổ Quốc nỗi oan khiên!!
Việt Nam, chữ S hình cong đó
Ở phía trời Đông Nam Á Châu
Nỗi khổ triền miên, đời dâu bể
Kiếp người ví ngựa, tựa như trâu!
Đêm thâu đen, vẫn mình ba chiếc bóng
Tư lự hoài bên Lá Quốc Kỳ Vàng:
Tại sao ba lại tuân lệnh đầu hàng,
Câu quyết tử rất gần không kịp nhớ!?
Khi ba chết, nơi xứ người lưu lạc
Một gia tài ba để lại cho con
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - Non Sông
Đời ba đã một lần không giữ được!
Con hãy nhớ, non sông mình còn đó
Tiếng quê hương sao quá đỗi ngọt ngào
Dẫu bây giờ còn dâu bể tang thương
Hiểu tại sao ba tận cùng đau xót
Là làm người không giữ nổi quê hương!


San Jose Dec2016. Dzuy Lynh


***


Nguyên tác thơ Phú Yên:

Muốn Trả Lời Con Cứ Nghẹn Ngào
* Viết cho hai con: Mai-Chi & Anh Duy.


- Quê mình mãi tận ở đâu, ba?
Nửa vòng trái đất có thật xa?
Tại sao mình phải lìa xa cách,
Để nhớ thương hòai cơn mưa qua?
Ba nghe đau quá, câu con hỏi
Muốn trả lời con, cứ nghẹn ngào
Ngày đi, ngày đến lo cơm áo
Đêm sống, hồn đau giấc chiêm bao!
Ba thân lính trận không tròn phận
Từ buổi trưa hè, Tháng Tư Đen
Giặc Cộng chưa vào, nghe lệnh: chạy!
Ôi trời!... Tổ Quốc nỗi oan khiên.
Việt Nam, chữ S hình cong đó
Ở phía trời Đông Nam Á Châu
Nỗi khổ triền miên, đời dâu bể
Kiếp người ví ngựa, tựa như trâu!
Đêm thâu đen, vẫn mình ba chiếc bóng
Tư lự hoài bên Lá Quốc Kỳ Vàng:
Tại sao ba lại tuân lệnh đầu hàng,
Câu quyết tử rất gần không kịp nhớ!?
Khi ba chết, nơi xứ người lưu lạc
Một gia tài ba để lại cho con
Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - non sông
Đời ba đã một lần không giữ được!
Con có nhớ, có thương ba lầm lỡ
(Cảm thương không thân chiến mã quỵ nhào?
Ngựa cúi đầu, lủi bước chân chao
Mà rít mãi ... quay nhìn nơi cố lý!)
Con thấy đó trong tận cùng đau xót
Là làm người không giữ nổi quê hương!


Phú Yên
26/6/1999









Một Mai

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Cao Nguyên | nhạc & trình bày Dzuy Lynh


một mai về lại phương trời cũ 
biết gió còn reo rủ lá mừng 
chiếc bóng ngày xưa vào lữ thứ 
đang đứng nhìn rừng núi rưng rưng 
nếu lá rừng còn xanh như trước 
bóng sẽ ôm đất nước mà hôn 
cho dẫu đường trường sơn dốc ngược 
cũng lên nguồn ngắm được quê hương 
một mai thăm lại ân tình cũ 
liệu hình xưa còn đủ đam mê 
ngồi giữa đôi vòng tay nhật nguyệt 
nghe lời ru tha thiết lòng quê 
nếu thêm được một giòng lệ nóng 
chảy vào môi sưởi ấm nụ cười 
cho dẫu tim rối bời nhịp đập 
cũng thỏa lòng khát vọng làm người 
một mai còn chút lời thơ mộng 
sẽ gởi quê mình di chúc thơ 
thương yêu, nhân ái và hy vọng 
mãi đẹp bên đời như ước mơ 
nếu thêm được niềm tin thắp lửa 
rọi sáng từng khung cửa phương đông 
cho dẫu lịm bên thềm đất hứa 
cũng nhẹ hồn vào cõi mênh mông!










Tháng Mười Hai





tháng mười hai nhớ nhà tê tái
hoa mơ còn? Mẹ hái cho con!
nhện giăng bụi bám nghiên son
mài không ra chữ, bút mòn cán trơ...

tháng mười hai nhớ nhà tê tái
nhớ vườn quê ngai ngái hương nồng
nhắn em giữ má cho hồng
giữ môi cho ngọt giữ lòng cho trinh

tháng mười hai nhớ mùa chinh chiến
ra tù, nhìn quê Nội điêu linh
Sông Hàn cúi mặt lặng thinh
Quảng Nam thất thủ, quê mình tan hoang!

tháng mười hai nhớ về quê Ngoại
muốn về thăm, lòng mãi phân vân...
tình người Nam Định trong ngần
nhớ "nem nắm" Mẹ chưa lần kể nghe

tháng mười hai gió rít ngọn tre
con cá ngủ bờ kè thức giấc
Nước lạnh Quốc run bần bật
chon von cái cò khóc ngất mom sông

tháng mười hai đứng trông đàn ngỗng
chuyến thiên di trốn lạnh mùa đông...
tha hương giá buốt ngập lòng!
chừng nao đất ấm, trời hồng phương Nam?

tháng mười hai nhớ nhà tê tái
thương âm hồn réo Ải Nam Quan
mơ nghe tiếng hịch loa vang
rợp Nam, Trung, Bắc hiên ngang cờ Vàng!


mưangangthunglũngbuồntênh.
đêmthứcchờmặttrời. Dec82016.dzuylynh








12/04/2016

Phiên Gác Đêm Đông

( Photo: Model Destiny Nguyen)


Tuần thứ hai Mùa Vọng


Tháng mười hai. Không có ngày hưu chiến
Quảng Trị mưa phùn, mục phiến cô đơn
Bom đạn râm ran, đêm lạnh điếng hồn
Người lính tiền đồn căng đôi mắt thức

Poncho rách, đắp vừa thân, đủ ướt
Hỏa châu soi thay tinh tú trời cao
Ánh sao Vua leo lét đậu bờ hào
Tiếng súng vọng, êm lời kinh thánh lễ

Người lính trẻ một mình ngồi lặng lẽ
Chờ bình minh thay áo tím đồi sim
Màu thống hối ăn năn vì tội lỗi
Lỗi tại ta? Giết giặc giữ sơn hà!

Dây thẻ bài thay xâu chuỗi mân côi
Lính ngoại đạo, lần ngón tay sám hối
C- Ration, nước hố bom... rửa tội
Rau tàu bay, gạo sấy... đủ êm rồi!

Chẻ trái khói nhuộm tím hai bím cỏ
Thắp lên soi thay ngọn nến hồng quang
Nỗi hân hoan ơn cứu độ muôn loài
Người lính gác tự mình ban Thánh Lễ

Người lính nhủ sao ngày về lâu thế?
Trấn biên thùy xa vạn lý sơn khê
Đêm giáng thế, xin bề trên ban phúc
Cho chiến tranh phủ phục dưới thiên tòa

Tháng mười hai không có ngày hưu chiến
Nên sinh linh còn muôn vạn đảo điên
Biết ngày mai hòn đạn có vô tình
Cho mùa vọng chỉ mình em một bóng!


thunglũngtìnhthương lập đông Bính Thân1232016.dzuylynh









12/02/2016

Xuân Miền Hỏa Tuyến



( nhớ về Cổ Thành -Thạch Hãn. địa đầu Quảng Trị Tết 1973 )


Đêm nghe đại bác thét vang rền
Ngỡ Giao Thừa tiếng pháo nghênh xuân
Tiền đồn heo hút đóng quân
Nhớ về phố thị bâng khuâng ngậm ngùi...

Thương Cha nhớ Mẹ dạ khôn nguôi
Thương bầy em dại lòng bổi hổi
Ngày ta mười tám tuổi đời
Lăn vào lửa đạn một thời làm trai

Không dám thương áo dài tha thướt
Chỉ ngóng chờ ai trước cổng trường
Trường Sơn heo hút mù sương
Mũ xanh áo trận sa trường dọc ngang

Đêm trừ tịch, hỏa châu chong sáng
Sáng đầu năm, “ con cái ” sẵn sàng
Xung phong trung đội dàn ngang
Giành từng tấc đất, bảo an dân lành

Mồng Hai, Hậu Trạm chuyển thư xanh
Mứt bánh hậu phương địch pháo banh
Quảng Trị sương sa giá lạnh
Sài Gòn ơi! Ôi nhớ mấy cho vừa…

Sim tím bẻ cành giăng đầu võng
Đón Xuân rượu trắng Bastos xanh
Khăn thêu đôi sẻ chuyền cành 
Hậu phương em gửi... để dành thay băng

Loang chiến địa máu đào xương trắng
Thạch Hãn giòng tanh tửi xác thù
Kẽm gai thây địch giăng mền
Nón thằng bắn sẻ óc lềnh lạnh tanh

Ta nghịch, đội lên đầu tuổi trẻ
Chụp hình khoe Mẹ thế hoàng mai
Chiến hào ai biết xuân khai?
Chiến bào chưa nát bốn mươi năm ngoài!


hoàng hoa lũng lập đông . dzuy lynh . 1222016











Tết Tiền Đồn

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Lê Phi Ô / nhạc Dzuy Lynh
album Hương Cà Phê Mùa Cũ
( kính tặng QLVNCH )


Đồng đội cũ trong tim buồn và nhớ
Áo nhà binh, giày trận, súng, ba- lô
Thịt ba-lát, rau rừng, cơm gạo sấy
Chiều dừng quân thương em gái vô bờ!
Tết tiền đồn, lương khô thay bánh mứt
Bàn thờ Cha bằng thùng đạn Pháo binh
Bình vỏ đạn cắm đầy hoa cỏ dại
Tấm lòng con trong thời buổi đao binh
Đêm Ba Mươi mượn vài chung nước lã
Thay trà thơm chờ đón phút giao mùa
Nơi quê nhà một mình ai tựa cửa?
Thương qúa Mẹ già ngóng đợi con xa!
Đón Giao Thừa quây quần trong lô- cốt
Rượu bi-đông uống cạn lãng quên đời
Tiếp tế trễ, chuyền tay từng điếu thuốc
Chúc mừng nhau Năm Mới ấm tình người
Đời lính chiến chẳng màng gì danh lợi
Trĩu đôi vai gánh vác nợ sơn hà
Mơ ước một ngày thanh bình muôn lối
Khắp thôn làng rộn rã khúc hoan ca
Ta đã từng sống một thời như thế!
Chí làm trai không thẹn với non sông
Xin cúi đầu tạ hồn thiêng sông núi
Sinh ra ta, con cháu giống Lạc- Hồng!