(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)
tác giả Nguyễn Phước Huy . diễn đọc Dzuylynh
1-Nghề Báo
Tôi thích viết, viết tất cả mọi thứ trên đời, viết hết những cay đắng và hạnh phúc, như viết cuộc đời tôi vậy, nhưng tôi không thích viết về tôi, tôi thích viết cuộc sống, bởi cuộc sống có tôi trong đó, hay ít nhất buộc phải có tôi trong đó.
Tôi hai mươi ba tuổi, điều này đồng nghĩa với nhiều thứ, đồng nghĩa với việc tôi vừa kết thúc chương trình đại học và phải kiếm cho mình một cái nghề ra hồn để nuôi cái thân to xác, nghĩa tiếp theo cần phải đề cập là tía má tôi muốn tôi có một gia đình, rồi đẻ ra một bầy con cho tía má ẵm bồng (điều này như “truyền thống”, ở quê tôi ai cũng thế). Nhưng sự đồng nghĩa lớn nhất mà tôi tìm thấy được, chính là đã đến lúc ngòi bút của tôi cần thọc sâu vào cuộc sống và đánh chém tất cả những bất công như tôi từng mong đợi.
Tôi tốt nghiệp khoa báo chí của trường Đại học Cần Thơ, ngày tôi cầm trên tay tấm bằng Đại Học tôi đã nhủ lòng mình rằng phải kiếm một cái gì đó ra hồn để đặt thân vào đem tiền về cho ba má, điều này đôi lúc làm tôi khó chịu, bởi tôi nghĩ những người như tôi (ý tôi nói là cánh nhà báo) đem ngòi bút để “đánh” thiên hạ không nhất thiết phải tồn tại chữ “tiền” trong đó.
Tôi về quê giữa mùa hè rộn ràng ánh nắng mặt trời rọi vào mặt cay đắng như cấu xé da thịt, hơi nước mặn của cánh đồng tôm làm người tôi nhơn nhớt, nhầy nhụa, khó chịu đến lạ thường, đoạn đường từ thị xã về nhà không quá xa, tầm chừng hai cây số, mà đường lầy lội, nhầy nhụa bám víu vào thân tôi như những nỗi đau mà tôi nếm phải. Nhưng tôi thèm cảm giác ấy, ngay khi nó tồn tại song song đời tôi!
Tía má tôi dạo này xanh xao lắm, tôi thấy rõ mồn một khi tía má ngồi lọt thỏm trong ván cây ở trước hàng ba mái tranh rách bươm của tôi, tôi buồn muốn rớt nước mắt, tía mặc bộ đồ xám xịt, lem luốc bùn, quấn cái khăn ca rô quanh đầu, cười nụ cười lạnh toát, má ngồi đan mấy cái chổi ráng, thoăn thoắt và hiền như gió tết, nhìn như ôm siết tôi vào lòng, tôi thương tía má tôi quá chừng.
Tôi định sà lại, ôm chặt thiệt chặt má để cho má biết hơn một năm qua tôi nhớ quê hương như thế nào, nhớ mặn nồng cái mùi cá tanh tanh trời hè nắng gắt, khi tụi cá nó phản đối cái chính sách nhập mặn vào ruộng để nuôi tôm, tụi nó chết hết, má với tía vớt lên, ướp xả rồi phơi rợp cả khu sân đất. Nhưng thằng Ba nhào đến tôi đòi quà, làm cụt hứng yêu tía má.
Nhắc tới cái vụ xả mặn vào ruộng tôi lại nghĩ liền tới thằng cha Chủ Tịch Ấp ở quê. Năm đó tôi chừng mười ba, mặt già chát như ông già lên năm mươi, thân bự xác như thằng lực sĩ tôi thấy trên tivi, năm đó quê tôi bị hạn vì xả nước không đúng quy định, tụi tôm chết lổm nhổm trên cái vuông tôm dài thườn thượt, tụi nó khô mình nằm phơi dưới nắng, nứt xé nát bờ vai tía, rọc chảy máu đôi môi của má, tụi nó giống như ông trời, nhếch miệng cười vì đời người khổ, coi vẻ đắc chí lắm. Có hôm má hết tiền mua gạo, má cạo lũ tôm chết khô rồi nấu nồi cháo cả nhà húp, tôi thấy rõ ràng nước mắt tía rớt, tía lại bảo má bay bỏ nhiều tiêu quá…
Tivi đợt đó lên rùm beng quê tôi, tôi thấy cái gì đó … tự hào đến cay đắng, cái hôm tôi qua nhà chú Út ủy ban xem ké tivi, tôi đã thét lên vì thấy thằng Ba nhà tôi có dính mặt trên cái hộp vuông vuông trắng đen, cái hình ảnh nó cầm con tôm chết khô ngoạm thê thảm ám ảnh tôi đến giờ, như một cơn ác mộng vậy. Chừng một tuần sau khi khuôn mặt thằng em tôi được lên tivi với sự trầm trồ “lạ lẫm” của hàng xóm, người ta lần lượt kéo đến quê tôi, người mang bao gạo, người mang tiền, người mang mấy túi ni lông đựng đầy đồ đạc trong đó, mà tôi đến giờ vẫn chưa định hình được trong đó là gì hết. Dân quê tôi lúc đó “dốt” ghê gớm (ờ thì có cả tôi), có lẽ cánh đồng tôm và cái xuồng ba lá là điều duy nhất người ta có thể định hình được trong đầu người ta rằng đâu là đúng, đâu là sai, hoặc hời hợt sống để chẳng phải cần phản đối tuyệt vọng những đắng cay, bất công mà ông trời cứ dồn dập đổ ầm xuống. Tôi còn nhớ đêm hôm mấy ông cán bộ lớn tổ chức đêm ca nhạc, má tôi biểu “đói thấy mồ ai đi nổi mấy cha”, mấy ổng nói “đi người ta phát đồ ăn cho mà ăn”, tôi với thằng ba níu vạt áo của má đòi đi bằng được, tại tụi tôi cũng ngán ngẩm phải ăn mấy con tôm thủm thủm mùi, với mớ rau mồng tơi băm, cái thứ đó mà cũng gọi là đồ ăn cho người, vậy mà tôi đã sống với nó cả một thời gian mới sợ chứ. Đêm ca nhạc hôm đó tôi thấy anh ba Ri, ảnh cầm cây đàn oai oai, giọng ảnh cao vút, hát chợt đứt quãng khi tới đoạn Võ Đông Sơn chia tay với Bạch Thu Hà, phía dưới người ta vỗ tay rầm, tôi cũng thấy nó hay, ngưỡng mộ anh hơn bao giờ hết, vừa hát hay, con nhà giàu lại học ở Thành Phố nữa chứ. Mấy người sau lạ hoắc, họ hát rùm beng toàn nhạc gì đâu không à, tui hỏi má “chừng nào mới phát đồ ăn cho mình hả má” má biểu “chắc hết bài này”. Tôi đợi mãi cái “bài này” sau gần hai chục bài khác mà vẫn thấy chưa có động tĩnh gì hết. Hồi chiều, tôi chỉ ăn có một chén cháo, để giành bụng tối nay ăn đồ ăn của mấy ông bà Sài Gòn đem xuống, muốn coi thử nó khác chỗ nào, nghĩ đến đây tôi thấy hưng phấn lạ lùng.
Giờ đây khi đã lớn tôi mới biết rằng người lớn nói dối cũng có lý do của họ, lý do gì thì tôi chưa rõ, nhưng tôi tin rằng tồn tại một lý do mà buộc tụi con nít phải tin rằng người lớn có lý. Cái buổi ca nhạc hôm đó kết thúc trong tràng vỗ tay hào hứng của khán giả, một bà mặc chiếc áo dài, cái môi to bọng như bơm căng nước, phát biểu vài câu văn hoa rồi trao quà cho mấy ông Ủy Ban Xã. Người ta thấy cái bảng để giá trị tài trợ đến vài con số không, thấy một bao gạo tượng trưng như đựng một con mèo giãy giụa trong đó, thấy một giỏ bánh trái hoa văn lòe loẹt,… chỉ duy nhất thứ mà người ta không thấy là lời hứa được…”ăn” của ông Tám Xỏ chủ tịch Ấp thân yêu của chúng tôi. Tôi nhớ lúc ấy tôi thèm ăn dã man, thèm ăn hơn bất cứ thứ gì tôi có thể thèm cho đến lúc này, tôi với thằng ba ôm má khóc khi rạp hát giải tán trong sự hụt hẫng. Khóc trên đời, cay đắng thế là cùng.
Tôi còn nhớ xa xăm sau đó hai năm, tức tôi chừng được mười lăm tuổi, quê tôi bị bão, thiệt hại hơn 80%. Nói chi cái ruộng tôm xa xỉ ngoài kia, cái nhà của tôi cũng xụp lụm xuống, ngơ ngác thằng Ba ôm má sụt sùi, tía đứng trân trân như bị trời trồng, còn tôi cố vơ vét mớ tập vở rồi lặng ra bờ sông ngồi khóc một mình, đùi rách bươm, rỉ máu vì cành dừa ngã trúng. Cũng chừng một vài ngày sau, một đoàn người mặc chiếc áo Đoàn Thanh Niên Cộng Sản màu xanh dương đến với chúng tôi (giờ tôi mới phát hiện ra rằng hồi tôi học ở trường tổ chức Đoàn chưa đặt chân đến, mười lăm tuổi mà còn bỡ ngỡ với chiếc áo xanh, nghĩ cũng hơi lạ), họ phát cho tụi tôi những bao gạo, những gói quà, những bộ đồ cũ, họ không làm rùm beng như cái đợt hạn mấy năm trước, cũng không đến từng nhà la hét dụ dỗ chúng tồi rằng “miếng ăn kia kìa con mèo ngoan ngoãn, ngoạm nó đi trước khi ta giật mất”. Ông Tám Xỏ - tức là ông chủ tịch Ấp ngày xưa – đã có vai vế gì đó trong Ủy Ban Huyện (mà đời nào ai để ý ổng làm chức gì, cũng có ai nhớ rằng ổng làm gì, chỉ biết rằng ổng làm cán bộ, thế thôi), ổng bặm trợn, mặc chiếc áo trắng tươm, bỏ áo vào quần gọn gàng như một dịp đám cưới nào đó, quanh ông còn hai thằng dân phòng cầm cái cây dùi cui dập dập, gõ gõ như tụi nô lệ hân hạnh phục vụ chủ nhân của mình. Tôi nhớ rõ như in, lúc má tôi với cô Sáu cầm trên tay cái bao gạo, cô Sáu mừng quýnh quá mà khóc sướt mướt, nói hổng lên câu nào, thằng cha (xin lỗi, tôi tức quá nên gọi như vậy) Tám Xỏ hườm hườm nạt “bỏ xuống đồ phản động”, má tôi vốn điềm tĩnh, hỏi “tụi tui có làm gì sai mà chú cán bộ nói chi độc ác vậy”. À thì ra chuyện cũng không quá khó để hiểu với cái đầu một thằng khù khờ như tôi, mấy anh chị Áo Xanh không thông qua địa phương mà phát quà “tùy tiện”, lí giải của ổng làm tôi – một thằng học lớp 9 – cảm thấy xem thường hơn bao giờ hết, cái việc thông qua kia cách đó 3 năm cũng đã làm xong, và thường thường chỉ dừng lại ở cấp độ một, tức cấp độ thông qua, còn cấp độ xa hơn thì còn lâu mới có.
Má tôi quăng phịch bao gạo xuống đất, xắn tay áo lên rồi dặn hỏi “tụi tui là dân cũng có quyền ăn chứ, ông đừng giở trò, tụi này nói lại chính quyền, chức của ông cũng khó mà giữ”. Có lẽ khi má tôi nói câu đó thằng cha có hơi sợ tí xíu (mặt hắn tái lại), nhưng sau đó hắn biểu hai thằng dân phòng đem hết bao gạo quăng xuống sông, tôi nổi tức đến điên loạn nắm lấy cổ áo của hắn rồi ném phăng xuống ao đắc chí phủi tay bỏ đi một mạch. Vài ngày sau, tin tôi “gây thương tích người thi hành công vụ” được người dân ở đây biết, họ lan truyền, lâu lâu thêm ít mắm muối vô làm câu chuyện trở nên li kỳ và hấp dẫn hơn, có hôm tôi đi ngang qua bờ ao, mợ Tám Chuột (gọi bả tám chuột bởi bả suốt ngày moi chuột giữa đồng bán, mà số bả đúng khổ, một mình, một thân, chỉ có cay đắng với cây đắng cùng lũ chuột chục năm nay, có khi cũng hay, hay hơn việc phải gặp những hạng người như Tám Xỏ) hỏi tôi lớn “thằng cha Tám Xỏ chết rồi hả bay, đáng đời nó, mày mà đi tù tao bán chuột đem đồ vô cho, khỏi sợ con”. Tôi không biết phải mừng hay lo nữa, tôi không nghĩ rằng hắn chết vì tôi ném xuống ao, bởi hôm qua hắn còn đến nhà tôi hì hục đòi lập biên bản, mắng nhiếc, rồi xổ sàng những lời tục tĩu vào mặt tôi, và nếu tía tôi không cản lại thì lần này tôi ném hắn thẳng xuống cáo ao cầu xí ở nhà cho bỏ tức. Ừ mà gọi nhà cho nó sang vậy thôi, chứ thật ra chỉ là mấy miếng cao su che bốn góc rồi cột chặt dây sau đó bỏ cái ván vào giữa để nằm, nhờ vậy mà suốt ngày được ăn mì gói, tôi thích món này hơn hẳn cháo mồng tơi.
Hôm sau tin tôi “hành hung” cán bộ lan truyền tới báo chí, tôi được triệu tập lên Ủy Ban Nhân Dân Huyện để lập một mớ các văn bản, giấy tờ, huỵt huỵt đọc rồi không ký, thằng cha Tám Xỏ (cho tôi được phép gọi hắn bằng thằng cha, vì tôi chưa tìm thấy từ nào dã man hơn để thể hiện sự cay đắng đó) còn định kêu hai thằng dân quân đè tôi điểm chỉ, nhưng với cái thân hình to xác lực điền của tôi, chừng bốn thằng như nó còn không lại, chứ chi hai thằng ròm nhom. Ổng lăm le đòi bỏ tù tôi, tôi đứng phắt dậy, đi một mạch. Nhưng khi tôi vừa bước ra cửa, thì có mấy anh chị đeo máy ảnh chụp rụp rụp làm tôi nhòe cả mắt vì ánh đèn chói. Tôi chưa kịp định hình mình phải làm gì và đã làm gì để ghi lại giây phút bị bắt của mình, thì thằng cha Tám Xỏ buông vội cái tay hắn đang nắm chặt sau cổ áo tôi ra, người dân đứng đông như kiến, tôi tự nuốt ực một cái rõ đắng rằng “chắc mình tiêu rồi”.
Hai anh công an xồng xộc tiến lại chỗ tôi, giật mạnh tôi ra và còng tay… ờ tất nhiên là còng tay tên Tám Xỏ kia lại. Tôi được chụp chung với anh công an và được nhận một hình trang bìa cho tờ báo hôm sau “Cậu bé 15 tuổi vạch trần bí ẩn ăn xén cứu trợ ba năm liền”. Đầu tôi lúc này chỉ một hình ảnh, duy nhất một thứ tồn tại “báo chí là lý của con người”, lần đầu tiên cái lý được thắng, tôi rạo rực trong lòng như tìm được một chân lý gì đó cao cả lắm.
Từ đó trở đi tôi nguyện thề một điều, sau này mình sẽ theo nghề báo.