11/27/2014

Trả Lời Thu Paris

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ đông hương | nhạc & trình bày Dzuylynh
Album Hương Thời Gian.Nov 27.2014



Thu biết yêu, nên Paris nắng ấm
lạnh dừng chân bên dốc, ngõ công viên
lá vàng khóc trong mưa, chưa ai dỗ
tim nhị kiều loang lổ những niềm riêng...

*

mùa thay áo, tượng buồn, rưng mắt lệ
người tình xa, vàng úa chạm lên vai
đàn sẻ cũ vù bay, quên, lại để
trên lối về hồn cỏ nỗi không ai...

*

dọc dòng Seine, chim hải âu từ biển
nghiêng cánh dài chào người đứng tầm xa
và giọt nhớ long lanh rèm mi ngấn
gọi tên người òa rơi xuống,loang ra...

*

thiếu anh lắm nên nỗi buồn rất hiểu
quyện khói cay trong mái tóc ngọc ngà
café ngọt, đắng nụ cười hàm tiếu
điêp khúc sầu quay quắt mãi âm ba

*

buồn xa vắng, thánh đường chuông đêm đổ
bóng anh gù, khóc Esméralda
lá dẻ xưa phủ dấu chân chưa nhạt
mơ môt ngày ai... có nhớ... hương xa






Thơ Và Em...

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Dzuylynh_ tác giả phổ nhạc & trình bày
Album " Như Giọt Buồn Nhung "_ Half Moon Bay.Nov.1.2011



có cần thiết để em ngồi xuống họa một vần thơ?
lúc đã mòn hơi buông nửa đời ra ngòai cửa sổ...
khung cửa hẹp,
gió đời chập chùng thương nhớ
vẫn khép hờ... vẫn khép hờ...
vật vã vì con chữ em vùi mình dưới trầm tích biển thơ !
những vần thơ không gói đủ nghĩa mộng mơ
tôi vẫn bảo là ...
là nghiệp vướng cung tơ !
con chữ ban đầu là khởi nguồn hơi thở
từ trong tim òa vỡ : máu đọng lại thành thơ!
hãy để nguyên thơ, cảm xúc thuở ban sơ
bởi ngôn ngữ âm giai không thờ ơ vần điệu
tiếng hát hoang tiêu sương khói quyện đôi bờ liễu
là xa tít tắp mấy trùng dương bời bời sóng vỗ
tiếng đàn tôi,
là chiếc thìa mớm cho em từng hơi thở
sông nhỏ phù sa ơi ! trôi nổi giữa đời thường...
nỗi nhớ niềm thương ngày tháng cũ còn thơ
chỉ là gót trở về miền tâm thức khói sương
là ngân vọng trùng dương nhỏ từng giọt tan nhanh
vào cuộc vô thường nhân thế !
sao cứ mãi vấn vương với một thời dâu bể?
dòng sông nhiêu khê dẫn con sóng nhỏ đi, về
dòng sông nhiêu khê
dẫn con sóng nhỏ
đi...
về...









Thảo Nguyên


(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài ngâm)


thơ tân hình thức: Cao Nguyên .  diễn ngâm: Dzuylynh
Album: " Ở Nơi Có Mặt Trời " Dec.5.2011



anh đang trên thảo nguyên Plateau Gi
trong tay anh những cánh Dã Quỳ
trong mắt anh màu xanh của lá và trời gộp lại
trong trí anh những bước chân em trắng mịn
nhè nhẹ trên thảm cỏ đọng sương long lanh
trong đời anh một hồi tưởng rất hồng
và một thiết tha của niềm hoài vọng...

tất cả khởi đầu cho bản vẽ hôm nay

anh muốn dành tặng riêng em
một tâm hồn luôn sáng
trên những niềm yêu thương gợi nhớ
những góc cạnh quê hương xoáy tít
trong những giấc mơ em
những giấc mơ luôn trĩu nặng trong em
dù chỉ là một chút của Biển, của Sông, của Rừng
của Núi, của những cánh đồng, của những luống hoa..
bởi vì em quá tham lam
luôn nghĩ nhớ về đây
nơi chốn chào đời em buông tiếng khóc
nơi chốn mong cầu khi nhắm mắt vẫn còn ôm
những mảnh đời thất tán
từ một-trăm-cái -trứng sơ khai
những vết cắt của thời gian
của biến cố
thân tâm em lúc lành lúc vỡ
nước mắt em lúc ở lúc đi
vẫn đỏ au tâm huyết cội nguồn...

chiều đang xuống đó em
những hoàng hôn vàng ệch như giấc tuổi anh, em
những hoàng hôn như một dấu lặng
ngưng đọng
chờ đợi một chuyển giao
giữa đêm và ngày
giữa thế hệ chúng ta và con cháu
ngưng đọng để nhớ về xương máu
của Cha Ông
của chính anh và bạn bè anh
đã bón, đã tưới cho cây thêm xanh
cho cành thêm hoa quả...

đã đến lúc phải chuyển giao vào điệp khúc
cố quên lòng thù hận
cho tim mình khỏi bị ép chặc
nghẹt thở
con cháu chúng ta muốn được nghe
từ khởi đầu của điệp khúc
với nỗi cảm xúc tận cùng
về huyết thống
về danh dự của một Dân Tộc
và luôn muốn ngẩng cao đầu
trước mọi dị chủng
để nói
tôi là người Việt Nam

Thời gian trôi nhanh quá
từ lúc anh đặt nhát cọ đầu tiên
trong bình minh, lên bản vẽ
với tất cả những gì em khao khát
anh đã vẽ xong trước hoàng hôn

đêm đang xuống trên thảo nguyên
tịnh yên trên tất cả
nhưng chưa tịnh yên với anh
khi anh dùng một game màu rất sáng
vẽ qua những vì sao đêm
những vệt cầu mong như tâm nguyện
tất cả được bình yên
trong một điệp khúc hồng
ngân lên cùng lúc với tiếng chuông nhà thờ
báo hiệu một bình minh mới...

anh đang lắng nghe
lắng nghe
tiếng vỡ
của thời gian chuyển mình
khi lưng anh
đang thấm lạnh sương thảo nguyên
nhìn qua màn đêm
nhìn suốt những vì sao
anh nhớ em
một tâm hồn rất Việt Nam.


Cao Nguyên 







Hát Trên Núi

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Mường Mán | nhạc & trình bày Dzuylynh 



Tay đan tay chiều muộn rồi  
Nhạc trôi dưới phố nắng ngùi trên cây  
Mắt đan mắt cay nồng cay  
Sương giăng lũng thấp nhớ đầy lên vai  
Môi đan môi nụ hôn dài  
Rẩy run đôi cánh hoa mai chợt vàng  
Đồi lang thang núi lang thang  
Dắt nhau về thủa hồng hoang hai người  
Tóc đan tóc bời rối bời  
Trăng trôi qua phố mây rời rã mây  
Ngủ đi thôi, ngọn cỏ may  
Tim anh hãy tựa những ngày còn xanh  
Ngủ đi thôi con chim oanh  
Giữ ngoan tiếng hát dỗ dành mai sau  
Núi cắt rốn, đồi chôn nhau  
Đi đâu cũng nhớ quay đầu về non 








11/24/2014

Xa Vắng


(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Bùi Hồng Lĩnh | nhạc & trình bày Dzuylynh
album Hương Thời Gian Nov 22.2014



Em dẫn tôi về đâu chiều nay
Trên chuyến xe có con ngựa gầy
Kéo theo đôi bánh đời xiêu vẹo
Lòng nhớ hoài ngày em thơ ngây 

Em dẫn tôi về nơi chưa quên
Bên gian nhà cũ sống êm đềm
Gác thưa một bóng trong đêm thẳm
Chưa đến sao mà đã nhớ thêm

Em dắt tôi về ngôi trường xưa
Nhớ thương biết mấy đến cho vừa
Em bâng khuâng ngó ngoài xa vắng
Không biết đời tròn giấc mơ chưa

Bánh xe ngựa cũ không còn nữa
Gác lửng đêm khuya cũng mất rồi
Trường nay một bóng em tóc bạc
Thấp thoáng phương nào một bóng tôi 

Thôi giã từ em đêm đã khuya
Bên song trời gợi lại cơn mưa
Tiếng rơi trên lá trong vườn cũ
Sao vẫn như còn như tiếng xưa 

Có phải tôi về hay tôi mơ
Tiếng mưa thao thức tự bao giờ
Nhớ quê một mảnh đời xuôi ngược
Mưa mãi trong lòng em ngây thơ 

Thôi giã từ em đêm sắp qua
Lối xưa đường cũ đã nhạt nhoà
Dạ Lan ẩn hiện trong đêm vắng
Đêm vẫn như còn như đêm xưa







Vết Đậm Lòng Ta


(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài ngâm)


thơ thylanthảo | diễn ngâm dzuylynh



Chầm chậm chiều mây rẽ dáng xa 
Nắng xiên mái nhẹ, mát hiên nhà 
Ở trong im vắng hình như gió 
Thoảng khúc reo, lời nhạc thiết tha… 

Mắt khuất tầm ngăn, óng lụa trời 
Chút tình thoáng nhẹ ý xa xôi 
Em ơi ! Nắng của Sài Gòn vẫn 
Sáng bước đường em- khắc vết đời 

Từ buổi mây che trải ý buồn 
Tháng tư ảm đạm chút mưa sương 
Mắt em phủ nhẹ rèm mi ướt 
Áo trận ta về… gió bụi vương. 

Rồi đắng lòng che mắt biệt ly 
Em cười gượng tiễn bước người đi 
Ở trong đôi mắt màu nâu đó 
Khó biết lòng em nghĩ ngợi gì…?! 

Quay giữa dòng xoay gió lọan cuồng 
Bước tù ngập ngụa gió mưa tuôn 
Lòng ta chắc hẳn em không biết 
Trăn trở từng đêm giấc đoạn trường! 

Bão vẫn hầm hừ chữ rẽ phân 
Ta về lối cũ đón ân cần 
Nhưng trong đôi mắt ngày xưa đó 
Đậm nét nâu buồn tủi nhục thân 

Ta ở đây, chiều yên thật yên 
Những gì ta nghĩ của tư riêng 
Không tròn như ước dài năm tháng 
Lắng đáy lòng ta lắm muộn phiền…







Tiếng Quê Hương

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Nguyên Thạch . phổ nhạc & trình bày Dzuylynh
âm hưởng Ả Đào và BlueJazz . Mar14.2012




Nẻo vắng ta về. 
Lá vàng rơi. 
Theo trận thu phong . 
Dậy đất trời. 
Ta ở bên này . 
Mùa thu biếc. 
Thầm gọi tên người. 
Quê Hương ơi. 

Thân ta phiêu bạt . 
Đã bao năm. 
Em ở bên kia đời giam cầm. 
Còn bao lâu nữa chim ngân hót. 
Hay niềm ảo vọng cõi xa xăm. 

Dày xéo trong ta . 
Vạn lời thương. 
Mờ cơn sóng bạc ngát trùng dương. 
Hướng về mù thẳm ta thầm khóc. 
Một tiếng thân yêu. 
Tiếng Quê hương. 

Ta ở bên nay biển Thái bình. 
Luôn nhận cơn đau tiếng nhục vinh. 
Giặc về thống trị gây hờn oán. 
Đọa đày nước Việt mãi điêu linh. 

Giao mùa vàng lá. 
Gọi thu sang. 
Tịch liêu sương phủ nhuốm ủ vàng. 
Nắng ở bên nhà chiều u uẩn. 
Rũ úa đời đau. 
Tím ngút ngàn. 

Dòng đời phiêu bạt mãi tha phương. 
Đất Mẹ Quê Cha luôn vấn vương. 
Hành trang trĩu nặng ta vững bước. 
Trọn nghĩa yêu em. 
Hỡi người thương. 








Ngày Về

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài thơ)


thơ dzuylynh . diễn đọc thiênthanh  
( tuyển tập Thơ " Mùa Xuân Đã Mất " )  



giã biệt kinh kỳ xếp bút nghiên   
xa gia đình chôn mộng hoa niên  
các anh đi vào miền chinh chiến  
buổi quê nhà khói lửa triền miên  

vũ đình trường buông cung xạ tiễn
tỏa bốn phương phỉ chí tang bồng  
thủ đức quân trường hồ hải mộng  
võ bị dựng nghiệp mồ hôi đong  

huấn nhục thao trường không uổng phí
mươi năm tù tội có ra chi  
bốc cao ngùn ngụt tâm hùng khí
khổ ải lưu đày bao oán bi  

mãnh hổ sa cơ sầu thất thế
anh hùng lỡ vận cũng tang thương  
bụng đói tay run chân tấn vững 
khổ sai cay đắng dững dưng hề

bố mẹ tuổi già nương bóng hạc
con thơ bạc nhạc bởi đòn thù  
cắp sách đến trường, thân cỏ cú  
vợ hiền tần tảo kiếp nuôi tù  

lao dịch bào mòn thân dũng tướng  
gông cùm gặm rách thịt, da, xương  
tuẫn tiết, anh hào theo cánh phướng  
nhẹ phất hồn vương bãi chiến trường  

tổ quốc giang sơn nay đổi chủ  
mảnh dư đồ rách giữ khư khư  
hồn mẹ Âu cơ xin tha thứ  
vong bố Lạc Long hãy niệm tình  

làm trai không giữ được cơ đồ  
anh linh tử sĩ hóa hư vô  
ngước lên thiên trúc sa lệ tủi  
cúi xuống cửu tuyền nhục núi sông  

ngày về con tóc nhuộm màu bông  
bố mẹ còn đâu phụng dưỡng mong  
vòng tay chinh phụ em hoài vọng  
lệ tủi tương phùng sao đếm đong  

cám ơn tổ quốc một cuối đông  
cám ơn hồn mẹ bóng liên đài  
dấu cha đã khuất mờ đông hải  
con đã về đây xuân chớm khai  


38 mùaxuânđãmất.thángtưhuyếtlệ 2013.dzuylynh 





11/21/2014

Luân Lạc







biển cạn 
sông khô 
đất lở
núi nghiêng 

không hồ thỉ tang bồng sao chân vẫn bước 
chẳng buồn đau thương hận sao lệ còn tuôn... 

nước mất 
nhà tan 
tha hương 
luân lạc 
xót quê hương phải đọan đành thân Bắc thuộc 
đau thân ta chịu cam phận bạt Tây phương... 
nước mới lạc giòng vô định bến 
người dưng xa lạ hóa vô tâm 
ta khách ly hương một bóng chiếc âm thầm 
em cũng xa quê dặm trường thân viễn xứ 

quốc nương bờ sậy 
nhạn lẩn chân mây 
thời gian qua như một cái chau mày 
em gặm nhấm cùng nỗi hờn châu thổ 
ta quắt quay với bóng đổ trường sơn 

mòn giày vẹt gót xới mòn pho quân sử 
dốc ngược thời gian ngụp lặn đáy trầm tư 
luân lạc tha phương từ thuở tóc xanh màu 
chẳng nhẽ bây giờ ngồi chờ ngày khô máu...


dzuylynh-hoàng hoa lũng 2014 - nỗi buồn tháng bảy







Trăng Khuyết

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


sáng tác & trình bày dzuylynh
album Ở giữa là mùa thu



...ta lặn ngụp giữa giòng ngâu. hụt hơi chơi vơi, hụt hơi ... chới với
chưa bước vào đời nhau! không bước vào đời nhau! chưa bước vào đời nhau...


ngồi bên hiên lắng nghe
giọt cà phê tí tách đang nhỏ xuống vũng sầu
nhớ em màu mắt nâu
đêm huyền thọai dưới trăng

tiếng dương cầm hiu hắt
rơi đáy huyệt thang âm
giọng hát nửa vời buông lửng...
nụ hôn nửa chừng... dang dở...ngu ngơ...

khi vầng trăng khuyết
nửa bơ vơ gục đầu ngã xuống bể sâu
nửa chơi vơi vùi đáy vực sầu
tìm đâu, còn đâu nữa... tìm đâu còn đâu nữa? đêm huyền thọai!

ta lặn ngụp giữa giòng ngâu
hụt hơi chơi vơi, hụt hơi ... chới với!
chưa bước vào đời nhau
không bước vào đời nhau...chưa bước vào đời nhau?

ngòai hiên mưa vẫn rơi
vấy trên vầng trăng khuyết
giọt mưa màu hổ phách
tách cà phê đã lạnh
nhớ em nụ hôn sâu... nhớ em vạt tóc nâu

chìm đâu sợi ngắn dài? đâu bờ môi nối hai viền chữ nhớ?
anh dẵm lên trăng vỡ, ngỡ tiếng thu nức nở!
vầng trăng khuyết ơ hờ
nửa này in đáy cốc - nửa kia chìm sông ngâu...


Oct.22.2012.dzuylynh









Trước Giờ Ra Khơi

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Hoàng thu Diệp . phổ nhạc Dzuylynh_trình bày Bóng mây.Dzuylynh



Ngước mặt lên em ... anh nhìn lần cuối
Ôm em vào lòng một phút nữa thôi
Khi thuyền xuôi dòng lướt sóng ra khơi
Chúng mình đâu biết ngày nào tương hội

Với giặc Cộng anh trời chung không đội
Nên phải đành nói từ biệt em thôi
Đất nước còn … mình đôi bóng chung đôi
Đất nước mất ... em ơi hờn vong quốc!

Em có hiểu tình mình là hạt cát
Tình đồng bào là sa mạc mênh mông
Dân tộc mình còn khốn khổ long đong
Vì lũ Cộng nô gian tham trân tráo

Anh vẫn biết...
Con đường anh đi thác ghềnh giông bão
Nhưng phải đi ... em hãy hiểu cho anh
Giặc Cộng còn thì ước vọng ngày xanh
Mãi mãi em ơi ... chỉ là hư ảo! 








Gửi Người Mùa Đông

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Nnmmtđ . nhạc & trình bày Dzuylynh 
album Cánh thiên di . Jan 14.2013 



Đêm nay vào giấc mộng 
Tìm lại chốn hẹn xưa 
Trên ngàn vương gió lộng 
Chợt trắng độ giao mùa 

Đêm nay choàng khăn mỏng 
Hẹn người nơi dốc mơ 
Lối qua âm thầm bước 
Đời quạnh hiu không ngờ 

Đêm nay ta gõ cửa 
Người ơi có cho vào 
Phía đằng sau cánh cửa 
Phải một trời chiêm bao 
Hay đằng sau cánh cửa 
Là nỗi đau ngọt ngào 

Đêm nay về theo mộng 
Thấy người buồn hơn xưa 
Sáng mai tàn cơn mộng 
Chắc vàng phai nắng chờ 

Sáng mai ngoài hiên gió 
Ta đợi bóng người qua 
Mang mùa đông hương phố 
Rắc xuống đời phôi pha







Quả Đấm Miền Sơn Cước

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài đọc)
https://app.box.com/s/4gy30ykle9etpqxxcekg


tác giả Châu Hồng Lĩnh . diễn đọc Dzuylynh



Một buổi chiều cuối đông khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, trên dãy Hoàng Liên Sơn, trong ánh nắng chiều vàng nhạt, một gã thanh niên vóc người tầm thước, trạc 18, 19 tuổi, quần dõng, áo ga, chân đi giày vải, loay hoay chỉnh chỉnh, ngắm ngắm với một chiếc máy ảnh Praktica bên sườn đồi. Đối tượng trước ống kính của gã là một tốp khoảng chục người đàn ông đủ mọi lứa tuổi đang xoay trần cặm cụi đào bới trong một hố đất sâu cách đó vài ba chục mét, hì hục đổ từng xẻng đất vào một cái máng gỗ có nước chảy qua bên dòng suối. Họ là những kẻ đào vàng.

Một thanh niên trong đám đào vàng ngừng tay, ngẩng đầu lên quệt mồ hôi trán. Bỗng hắn nhận thấy có kẻ đang chĩa ống kính máy ảnh về phía mình, liền hét lớn "Đ.m., có đứa chụp ảnh." Cả đám đào vàng ngừng phắt công việc, sững lại một giây nhìn kẻ quấy rối, rồi những tiếng hô hào, chửi bới đua nhau vang lên:"Thằng này khéo là nhà báo", "Có khi nó chụp về báo cớm cũng nên", "Đánh bỏ me nó đi anh em ơi", "Đánh", "Giết" ... Tiếp ngay sau những tiếng thét, đám đào vàng ào ào nhảy lên khỏi hố, cuốc xẻng lăm lăm, xông thẳng về phía gã thanh niên cầm máy ảnh.

Gã thanh niên bừng tỉnh khỏi cơn mê nhiếp ảnh, đảo mắt nhìn quanh. Sườn đồi hoang vắng với mấy bụi cây lưa thưa, địa hình trống trải kéo dài hàng km, không biết khả năng chạy nhảy của đối phương ra sao, nếu bỏ chạy thì trước sau gì cũng bị chúng bắt kịp. Lúc đó đã mệt thì chắc chắn là ốm đòn, có khi bỏ mạng. Âu là hãy chiến đấu khi còn sung sức. Đút vội chiếc máy ảnh vào chiếc túi vải nhỏ đeo bên hông, gã thanh niên quay đầu rảo bước, tay xua xua vẻ sợ hãi "Em không làm gì. Các anh cho em xin".

Đây là một chiến thuật mà người chiến binh lừng lẫy trong lịch sử Nhật bản Miyamoto Musashi đã áp dụng hơn 300 năm trước, trong một trận chiến một chọi tám mươi mốt kẻ thù. Trong tai gã thanh niên còn văng vẳng lời dặn dò của sư phụ, vốn là một giáo viên võ thuật của Cục Cảnh vệ K10 (*) : "Trong một trận đấu với nhiều địch thủ, nếu không có địa hình địa vật để lợi dụng, thì phải giả vờ bỏ chạy. Đối phương đuổi theo sẽ có kẻ nhanh người chậm, như vậy ta có thể chia nhỏ lực lượng của chúng thành từng nhóm nhỏ để tiêu diệt. Những kẻ nhanh nhất thường là hung hăng nhất, đánh gục những đứa này là bọn còn lại rét hết. Phải ra đòn dứt khoát và tàn độc cho bọn kia sợ hãi".

Bọn đào vàng thấy thái độ hoảng hốt của gã thanh niên càng hung hăng xông tới. Gã thanh niên rảo bước chạy loanh quanh khu đồi được một đoạn ngắn, liếc mắt nhìn lại phía sau thấy hai tên hung hăng nhất đã tới rất gần, cách bọn phía sau một khoảng cách kha khá, gã liền tạt sang phải một bước, bất ngờ dừng lại. Hai tên đuổi theo hơi bất ngờ vì con thú săn đã rời khỏi đường chạy và đột nhiên dừng bước. Chúng khựng lại một phần giây đồng hồ, rồi vung cuốc, xẻng lên ... Nhưng đã quá muộn. Ngay khi vừa tạt sang phải, dừng lại, vẫn quay lưng về phía địch thủ, chân trái của gã thanh niên đã giơ thẳng lên, người quay nửa vòng, vung chân thành một đường vòng cung, bổ một đòn Lôi phong cước sấm sét vào đầu tên đào vàng phía trái gã. Chỉ nghe một tiếng khục ghê rợn, xương hàm của tên đào vàng vỡ vụn bởi cạnh bàn chân đi giày vải và hắn gục xuống không kịp kêu một tiếng. Tay của tên bên phải chưa kịp vươn hết đà chuẩn bị cho một cú vụt cuốc, thì hắn đã lãnh trọn một đòn Kim tiêu cước vào hạ bộ, lăn ra giãy đành đạch. Cách ra đòn Kim tiêu cước của gã thanh niên gia dĩ cũng có chỗ độc đáo. Trong Thiếu lâm chính tông, khi ra đòn Kim tiêu cước, người đá co đầu gối lên, lợi dụng sức bật của hông, đùi, đầu gối và cổ chân để tung ức bàn chân hoặc mũi bàn chân hoặc mu bàn chân đá thẳng ra phía trước. Gã thanh niên không co đầu gối, mà ngay khi chân trái gã kết thúc đòn Lôi phong cước, bàn chân vừa chạm đất, gã đã bật chân lên tung thẳng đòn Kim tiêu cước vào đối thủ thứ hai. Tất nhiên, lối đá này có suy giảm chút ít về lực do không tận dụng được tối đa sức bật của đầu gối, nhưng gã đã có gần một chục năm rèn luyện ròng rã, mỗi ngày đá hàng trăm ngọn cước vào bao cát, gốc cây, cột đá và đủ các loại mục tiêu, nên sự suy giảm về lực là không đáng kể. Trong khi đó, tốc độ chớp nhoáng của lối đá này là điều cực kỳ quan trọng trong những trận đấu sinh tử với nhiều địch thủ, khi mà khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết chỉ là một phần giây đồng hồ.

Hai tên bị hạ bằng hai ngọn cước không làm giảm sự hung hãn của bọn đào vàng say máu. Ba tên ở tốp tiếp theo đang đà chạy vẫn ào ào xông lại. Gã thanh niên lạng mình về phía trái, rút chân trái về phía sau, hơi nghiêng người chuẩn bị tung ra một đòn đá. Bỗng một thanh âm đơn điệu, buồn tẻ cách đó một đoạn cất lên: "Coi chừng Lưu vân cước". Gã thanh niên nhếch mép cười khẩy : "Quá muộn", chữ "muộn" chưa dứt, ức bàn chân phải của gã đi theo một đường vòng cầu đã giáng một đòn Lưu vân cước chí tử vào xương cạnh sườn của tên chạy đầu tiên. Chỉ nghe tiếng xương gãy rắc, rồi tên này gục xuống, miệng hộc ra một búng máu. Chân phải vừa chạm đất, gã thanh niên xoay người tung tiếp một đòn Hổ vĩ cước, gót chân trái tống thẳng vào giữa ức tên thứ hai, làm tên này văng ngược về sau mấy mét, xương ức gãy nát, nằm bẹp một đống. Tên thứ ba lúc này xông lại quá gần, thấy nguy hiểm nhưng chưa kịp phản ứng thì gã thanh niên đã dùng tay trái chạm nhẹ vào tay hắn làm cản đà vung của cán xẻng, tay phải tung một đòn Nanamé Shuto Uchi chém chéo cạnh bàn tay cứng như thép nguội vào hàm đối phương. Đòn Nanamé Shuto Uchi của gã thanh niên cũng không phải là một cú chém cạnh bàn tay thông thường của Karate, mà là một đòn sát thủ. Khi cạnh bàn tay phải của gã thanh niên chặt gãy hàm đối phương, thì ngón tay cái đang chĩa ra của gã cũng móc thẳng vào mi mắt hắn làm máu chảy ròng ròng. Lòng bàn tay trái của gã thanh niên vừa tì nhẹ vào cùi chỏ của tên đào vàng để chặn đà vung của cán xẻng, giờ vuốt ngược lên phía vai hắn, kết hợp bàn tay, cánh tay trước và khuỷu tay thành một đòn Atémi hiểm ác bẻ gãy tay phải tên đào vàng thành hai đoạn. Tay phải của gã thanh niên vừa rời khỏi hàm tên đào vàng liền tóm lấy tóc hắn kéo vào gần, tay trái của gã vẫn tiếp tục khóa cánh tay đã gãy của địch thủ, gã quay lưng đánh gót phải vào hạ bộ của kẻ xấu số, tiếp tục đà xoay kê hông vào ném hắn ra xa hai mét bằng một thế Uchi Mata của môn Nhu đạo.

Đám còn lại là lũ a dua, theo đóm ăn tàn, thấy tình trạng thê thảm của bọn cầm đầu, bỏ chạy thì dở, đứng lại cũng không xong, ngần ngừ chưa quyết, thì gã thanh niên đã nhảy vọt mấy bước lùi lại phía sau thật xa, phẩy tay về phía năm thân thể đang lăn lộn, rên rỉ trên mặt đất, cất giọng khinh bỉ : "Khiêng chúng nó đi cho khỏi bẩn mắt ông!".
Nhóm đào vàng xúm lại khiêng đồng bọn líu ríu chuồn mất.

Gã thanh niên nghĩ thầm "Giờ mình cũng phải chuồn, không bọn nó về lôi thêm cha con họ hàng ra đây là bỏ cụ." Gã quay bước định đi về phía đường cái để vẫy xe bus về thị trấn, thì lại thanh âm đơn điệu, buồn tẻ khi nãy cất lên "Khá lắm." Gã thanh niên giờ đây mới nhận ra tiếng nói cảnh báo về đòn Lưu vân cước của gã không phải phát ra từ bọn đào vàng. Nhìn về phía phải cách đó vài chục thước, gã thấy một người dân tộc trạc gần 30 tuổi nằm khuất dưới tán một bụi cây dại ven đồi, chân tay duỗi thoải mái, có vẻ như đang ngái ngủ. Mặc dù đang tìm cách chuồn cho sớm, thói hài hước của gã thanh niên cũng buộc hắn phải buột ra một đoạn giễu gã vẫn quen dùng: "Cảm ơn bác đã có lời khen. Vừa nãy nhà em có làm điều gì không phải, bác làm ơn bác niệm tình bỏ quá cho, em cảm ơn. Giờ kính bác ở lại, em ngược."
- Mày định đi đâu?
Gã thanh niên nhíu mày "việc quái gì đến nó?", nhưng rồi cũng đáp:
- Em định đi bộ ra đường cái rồi vẫy xe bus về thị trấn.
- Đây ra đường cái cũng phải 6, 7 cây số, mày đi chưa được nửa đường thì xe Minxk của bọn đào vàng đã vây kín đường ra rồi.
Hùng tâm tráng chí của gã thanh niên bồng bột nổi lên:
- Ở lại thì chắc chắn chết. Ra đi thì may ra không chết. Ai mà chả có một lần, để em đi cho sớm chợ. Nếu có làm sao, ít nhất là hai chục mạng nữa cũng sẽ theo em.
- Đồ ngu. Bây giờ mày đi theo tao về nhà cho qua tối nay, rồi mai sớm tao dẫn mày theo đường mòn ra khỏi núi ở phía bên kia, khi đó mày tha hồ mà vẫy xe đi đâu tùy thích.
Vẫn quen chửi bới người khác là đồ ngu, nhưng do tính tình hào sảng, nên khi bị chửi, gã thanh niên cũng không lấy đó làm điều. Ngẫm nghĩ mấy giây, gã gật đầu:
- Em đi theo bác.

Hai người lầm lũi đi xuyên qua mấy vạt đồi về phía dãy núi, đến một căn lều tranh cô độc nằm trên lưng chừng dốc của một vách đá. Người dân tộc lẳng lặng thổi lửa, nấu cơm, hâm nồi thịt lợn bắc sẵn trên bếp, luộc qua quít một ít rau trong vườn nhà rồi dọn tất cả ra một ván gỗ. Gã quơ tay vào góc cột lôi ra một vò rượu, rót ra hai chiếc bát sành, bảo gã thanh niên:
- Ngồi vào đây ăn cơm với tao.
Gã thanh niên vốn quen cảnh sống lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó nên cũng không khách sáo:
- Vâng, em xin bác.
Họ ăn uống trong im lặng.
Được một lúc, sau một bát rượu xá nùng (**), gã thanh niên bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn, lân la bắt chuyện:
- Sao hồi chiều bác nhận ra là em sắp tung ra đòn Lưu vân cước? Sự việc xảy ra chỉ trong chớp mắt, và từ trước đến nay, đối thủ của em chỉ nhận ra Lưu vân cước khi ngọn cước đã chạm vào người.
Người dân tộc chỉ mỉm cười, lắc đầu, rót thêm rượu vào hai chiếc bát. Sau khi hai người nhấm nháp một lúc lâu, người dân tộc mới lên tiếng:
- Mày khá lắm. Chỉ tiếc cái khí của mày còn hăng quá.
Gã thanh niên giật mình, hỏi:
- Sao bác nói thế?
Ánh mắt người dân tộc mơ màng:
- Khi ra đòn, mày muốn nuốt sống người ta.
- Trong chiến đấu, chúng nó không chết thì em chết.
- Đành rằng là thế. Nhưng cái khí của mày có thể hăng thì cũng có thể nhụt. Mày để người khác nhìn thấy cái khí của mày, thì người ta cũng có thể dùng nó để làm hại mày.

Gã thanh niên giật mình thêm lần nữa:"Vẫn biết rằng trên vùng núi phía bắc có nhiều cao thủ võ lâm, tưởng chỉ về quyền cước, không ngờ lại có người uyên bác đến bậc này.". Gã mon men gạ gẫm:
- Thế bác có lời khuyên gì cho em không? Hay bác cho em xem vài đường quyền cước cho em học hỏi?
Người dân tộc lại im lặng uống rượu. Đêm về khuya. Bỗng người dân tộc từ từ đứng dậy:
- Tao mến mày, không muốn cái khí hăng của mày cản đường tiến bộ. Tao sẽ cho mày xem một quả đấm.

Gã thanh niên vẫn còn cái bồng bột của thanh niên 18, nghĩ thầm: "Tưởng gì, một kẻ rèn luyện gần chục năm trời, qua toàn bộ bộ tay của Karate, Thiếu lâm Nam phái, 108 thế biến hóa của Vĩnh Xuân,các quả đấm của môn Quyền Anh và các thế tay của võ thuật công an thì còn lạ quái gì quả đấm." Tuy nghĩ thế, nhưng bề ngoài gã vẫn lạnh lùng, ung dung đứng dậy.

Trong căn lều chật hẹp, hai người đứng cách nhau khoảng trên hai mét. Người dân tộc lên tiếng:
- Bây giờ mày có thể dùng bất kỳ đòn thế gì tùy thích để đỡ, tao chỉ đấm mày một quả vào mặt.
Gã thanh niên mỉm cười, nghĩ thầm "Mình đã biết trước cả mục tiêu thế này thì còn gì mà đánh nữa.". Tuy thế, gã vẫn cẩn thận:
- Bác nhẹ tay cho.

Đoạn gã rút chân phải về phía sau, hai chân hơi chùng xuống, hai tay thủ phía trước theo thế tấn Trắc thân kiềm dương mã của môn Vĩnh Xuân. Người dân tộc cũng vào một thế đứng hơi chùng người, mộc mạc, trông có vẻ không ra một tư thế gì cả. Gã thanh niên nhìn thẳng vào mắt đối thủ, nghĩ thầm: "Hiện giờ mình còn ở ngoài cả tầm đá. Hắn muốn đấm tất phải tiến lại gần. Dù phản xạ của hắn nhanh đến mấy, thì mình cũng thừa thời gian dùng đòn Nami Gaeshi chặn cạnh bàn chân vào đầu gối làm hắn không tiến sát vào được, hoặc dùng một ngọn cước đá thẳng vào hắn khi hắn chưa tới tầm đấm. Hắn nói chỉ đấm một lần, mình đẩy lui hắn một lần là ổn."

Giác quan gã thanh niên cảnh giác cực độ, tinh thần tỉnh táo, thân thể thả lỏng, hơi thở điều hòa. Không gian vắng lặng,chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích trong đêm. Không rõ do trời đêm hay điều gì, gã thanh niên bỗng thấy nôn nao một phần giây đồng hồ, rồi gã nhận ra người dân tộc đang di chuyển vào trong tầm đấm. Một quả đấm tay phải từ từ tung ra bay thẳng vào mặt gã. Gã thanh niên nhìn thấy quả đấm từ từ tiến tới khuôn mặt mình, nhưng không kịp đỡ. Bộp một tiếng, quả đấm đập khẽ vào mặt gã. Gã thanh niên bàng hoàng sửng sốt. Đành rằng nếu quả đấm nhanh như chớp giật, gã không kịp đỡ thì ra một nhẽ. Đằng này gã thấy quả đấm bay lại từ từ, đến lúc muốn phản ứng thì lại không kịp.

Người dân tộc lui ra, bật cười thành tiếng:
- Tự nhiên như cây cỏ, như đá, như nước, như mây, thì đối thủ không thấy mày làm gì, không biết mày ở đâu, không có cách nào tránh được.

Hai người uống thêm một vài bát rượu rồi mỗi người một góc ngủ say như chết. Sáng hôm sau, người dân tộc đưa gã thanh niên xuống núi.

HẾT.


Chú thích
(*) Cục cảnh vệ K10 là đơn vị bảo vệ lãnh tụ của Việt nam. Các giáo viên võ thuật của đơn vị này hàng năm thường được gửi đi Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản, Nga để tu nghiệp về võ thuật, chủ yếu là các đòn thế sát thủ, giết người trong nháy mắt và kỹ thuật chiến đấu cận chiến. Ngoài võ thuật và kỹ thuật sử dụng vũ khí, các giáo viên còn phải học tập về chiến thuật chiến đấu trong các địa hình khác nhau trong thành phố cũng như ở nông thôn, rừng núi ...
(**) Rượu xá nùng, có nơi còn gọi là rượu sắn lùng, sá lùng ..., tác giả truyện ngắn này đã từng lang thang khắp vùng rừng núi Tây Bắc Việt nam, thấy nhiều nơi gọi tên khác nhau, nên không biết tên nào chính xác, là loại rượu của người dân tộc được nấu bằng gạo nếp hoa vàng.
Các tình tiết khác có thể là bốc phét, nhưng riêng chi tiết về quả đấm chậm của người dân tộc, chính tác giả của truyện ngắn này đã chứng kiến vào khoảng hơn 13 năm về trước trong vùng núi rừng







11/20/2014

Giọt Lệ Trầm Kha






ngày đầu đông chưa nguôi sầu viễn xứ 
nghe tin anh, người niên trưởng thanh liêm 
đã ra đi mang theo vạn nỗi niềm 
nợ tổ quốc non sông đành chôn liệm 

nơi chiến trường chưa da ngựa bọc thây 
miền đất khách lưu vong đã ôm nghìn thu hận 
niên trưởng ơi từ nay thôi vướng bận 
xóa oán hờn thong thả chốn tiêu dao ...

quên chiến chinh, quên thuở khoác chinh bào 
quên một sớm mùa xuân cờ kiếm gãy 
quên cánh dù phiêu bạt buổi thanh xuân 
quên lửa đạn giao thông hào chiến lũy 

biết làm sao khi vận nước suy vi 
biết làm sao khi hào khí chưa tàn 
đã trút gánh tang bồng trong uất hận 
anh hùng tử nhưng chí hùng chưa tận 

Phan Trọng Chinh nguyên soái của muôn đời 
đàn em nghe hung tín chợt chơi vơi 
nghiêng mình tiễn đàn anh mà nước mắt tuông rơi 
giọt lệ trầm kha chan bỏng đời luân lạc...


mũxanhDjiangodzuylynh.Khóa5/71.TSQTBTD.Nov182014








Nếu Một Mai Em Có Xa Người

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


sáng tác & trình bày dzuylynh 
album giai điệu phù trầm 



Nếu một mai em có xa người 
Cánh buồm nâu... con thuyền tách bến  
Sóng đại dương xa bờ cát trắng 
Buồn mà chi... một chút bâng khuâng 
Nếu một mai em có xa người 
Kỷ niệm xưa cũng đành buông thôi 
Vì rừng thu lá vàng quên đổ 
Cọng cỏ khô rồi cũng hư vô 
Điệu nhạc trầm chìm sâu đáy cốc 
Lời trần tình có đắng hơn không? 
Nhớ mà chi vướng bận cõi lòng 
Cố quên rồi cũng sẽ phai phôi! 
Nếu một mai em có xa người 
Còn lại mình với nửa vầng trăng 
Trầm đáy nước hạc vàng lẻ bóng 
Nhạn xa đàn khuất nẽo chân mây 
Nếu một mai nắng xế non đoài 
Còn mình ta với tiếng đàn đêm 
Điệu bình ca người xưa đâu tá? 
Chén quan hà gõ nhịp chia xa... 


Vịnh nửa vầng trăng. April 26.2013.dzuylynh







Tím Huế

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài thơ)


thơ Màu hoa Khế _ diễn ngâm Dzuylynh _ Nov.10.2011
album " Mây bốn phương "



Một bóng đổ dài trên Huế xưa
Đường vô Thành Nội ngủ êm trưa
Mưa Huế nhẹ bay trên tàng khế
Hoa tím rơi rơi ngập lối về 
Trời mưa da diết suốt cả ngày
Bên song ngồi tưởng cánh hoa bay
Khơi bao thương nhớ cay đôi mắt
Chạm nổi tận cùng sầu quắt quay 
Xa Huế khi tuổi mới mười lăm
Mang theo màu tím Huế xa xăm
Hành trang là bài thơ thầm lặng
Trải nhẹ dòng hương dáng dịu nằm 
Anh hỏi tôi về thăm Huế chưa
Anh ơi thương nhớ mấy cho vừa
Bao năm viễn xứ hồn nức nở
Tím cả mưa sầu tím Huế xưa !!!... 








Xa Rồi Cát Bụi

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


thơ Lê phú Hải | phổ nhạc & trình bày dzuylynh 
album Nỗi đau còn đó | 38 mùa xuân đã mất 



Xa rồi cát bụi mấy mươi năm 
Chí lớn về đâu chí lớn thầm? 
Rũ áo phong trần cơn mộng dữ 
Lạnh về vai nhỏ rét căm căm 
hờ hơ hơ hơ ... 
Lớp lớp thư sinh hề tráng sĩ 
Mà tráng sĩ hề sống bao năm! 
Còn mấy chàng Siêu ngày tóc bạc? 
Lận đận tha hương những vết bầm 
Xa rồi khói bếp những chiều xưa 
Một góc vườn hoang mấy gốc dừa 
Ly biệt biệt ly... sầu ly biệt 
Mẹ ngồi lau sậy dáng đong đưa 
Thương đứa con xưa, ngày bé bỏng 
Mòn đời trận mạc đã về chưa? 
Cha già ngoảnh mặt che thương nhớ 
Tiếng đàn hiu hắt mấy cơn mưa 
Xa rồi năm tháng cũ chơi vơi 
Lửa khói binh đao dậy ngút trời 
Ai cứ nhiễu nhương mà thắng trận 
Ta đành ngã ngựa mảnh hồn rơi ... 
hơ hơ hơ hơ hơ hơ hơ hơ hơ 
Em có theo ta về cõi nhớ 
Những ngày mộng ảo biệt trùng khơi 
Thương tiếc về đâu miền quá vãng? 
Chim vàng nức nở gọi tình ơi! 
Xa rồi ta có nhớ gì không? 
Nghìn dặm quê hương mấy tấc lòng 
Lá xác xơ bay buồn riêng nỗi 
Khúc hát khúc hát ngày xưa ai ngóng trông... 
Khúc hát ngày về ai ngóng trông! 
Chinh phụ ta xưa giờ tóc bạc 
Phù dung cũng chết bởi hoài mong 
Còn chút lòng ta là đồng vọng 
Ai còn không có có còn không? 
Hưm hưm hưm hưm hưm hưm hưm hưm hưm hưm... 


Half Moon Bay April 16.2013 







11/19/2014

Đừng Để Cho Lời yêu Hóa Thạch






ôm đàn vỗ khúc tiêu dao
ngày chao cánh hạc lao đao đi, về
đêm mê nửa mảnh sơn khê
phù du bọt bể bên lề hư không...

hiển mây trôi nổi bềnh bồng
hóa mưa bong bóng phập phồng đợi tan
hiển cầm nẩy khúc khai hoang
hóa cành thi mộng mọc loang bên đường

tình trường đọng mấy hạt sương
nụ xuân biêng biếc... nhạt hương má đào
rừng già mục gỗ hanh hao
chờ ngày hóa đá len vào hư vô

trùng khơi cát vỗ sóng chao
thùy dương liễu rũ trăng sao tỏ mờ
dòng yêu xin chớ lững lờ
để tình hóa thạch bao giờ có hay?

rượu đào chưa uống mà say
hoa đà chưa nở vội phai sắc màu
tang điền tým một bể dâu
tým từ ngõ trúc tým sâu vườn hồn

trời chiều bãng lãng hoàng hôn
có người lữ khách cô thôn lạc đường
hồn ngây động phướng Nam phương
trái tim hóa thạch hoài vương dạ sầu


hàndạlữ. thunglũngvàođôngNov182014








Trao Nhau Một Thuở Xuân Thì

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài hát)


sáng tác & trình bày Dzuylynh_album Trao Nhau Một Thuở Xuân Thì 



vạt nắng ấy hỏi em có còn không? 
sưởi ấm lòng chút nỗi nhớ tàn đông 
dấu yêu thương trong lá ngọn cỏ bồng 
thung lũng chiều hồng màu cánh môi em 

hãy tựa vai anh dỗ giấc cô miên 
lời biển ru em vào cõi uyên nguyên 
ngủ đi em say giấc nồng ngoan hiền 
bềnh bồng thuyền yêu lạc bến thiên thai 

lời trần tình gỗ đá chẳng riêng ai 
nụ hồng nào chẳng có lúc hương phai 
tóc xanh xưa chưa biếng chải lược cài 
thuở xuân thì em đã vội trao đi... 

luyến tiếc mãi dẫu biết chẳng còn chi 
tờ thư cũ mực tým dấu còn ghi 
ái ân xưa vỡ tràn bờ cát rộng 
để bây giờ biển thả gió đi rong ! 

nghe hư hao một thuở mộng xuân thì 
lời đá vàng rồi cũng bỏ ta đi... 


thunglũnghoànghoa.Mar16.2012.duylynh








Tiếng Thu

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài thơ)


thơ Dzuylynh . diễn đọc thiênthanh . Album Tiếng thu



có chút nắng nào anh cho em không.
bởi thu về se lạnh,
và lá đổ mênh mang.
lá úa vàng, tiếng vỹ cầm đi vắng từ dạo mình chia tay.
em thu mình trong cõi riêng mình,
tưởng chừng có anh ru giấc muộn lục huyền cầm tha thiết.
không là tiếng thu sao? chỉ có âm rì rào của lá xát vào lòng
xao xuyến lòng người thiếu phụ cô đơn.


lá rơi, lá rơi. lá rơi rơi ...

lệ ngân. lệ ngân, ngân mãi như giọt mưa
không chờ mây tým hoàng hôn kịp bước quay về phủ kín niềm riêng
anh người lữ khách phong trần vui với gió sương
cây đàn trên vai là hành trang thiên lý
cất giấu trong tận cùng dưới đáy huyệt tâm can bóng hình tổ quốc quê hương
và em biết có em luôn ở bên anh


chiếc lá cũng cần có xương để đến lúc buông mình vẫn còn nguyên vẹn hình hài

em gọi là xương, là máu của mùa thu,
là anh đó! có biết không? người một thời em dấu ái thương yêu.
bầu thơ thấm giọt hồ trường khắc khoải tha hương người da vàng mất nước 
tiếng hát mang mang buồn xa vắng...
tiếng thu tràn mênh mông bát ngát. 
nghe khúc khắc như tiếng ho của đất trời thiếu nắng thừa mưa ở nơi này.
có phải tiếng thu là tiếng nức nở của mưa?
mưa sương,
mưa mây,
mưa lệ,
mưa nhớ,
và mưa em...
giọt hóa thành sông, 
trông ra bể Đông vời vợi. nơi quê hương mình bỏ lại sau lưng


như mùa thu bỏ rừng bỏ lá

nhưng em sẽ không bỏ anh đâu!


bởi, tiếng thu mãi là tiếng vọng từ nhịp thở khúc du ca rừng lá thiên thu mà hóa thạch

em vẫn chờ anh về, 
để ước có một lân nghe chạm tiếng thu lanh canh khuấy trong chén đá âm thanh...


chỉ có mình em hiểu

bây giờ,
ngày mai .
lúc nào cũng được.
vâng ! sao cũng được.
dẫu gì, mùa thu đã đang về rồi đó ! anh có biết không?


thunglũnghoànghoa.ngàytámthángmườinămhainghìnmườihai.dzuylynh








Bông Điên Điển

(xin mời bấm lên ảnh hay bấm vào link dưới để nghe bài đọc)


tác giả Trần văn Chi  .  diễn đọc Dzuylynh 



Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai, mọc hoang ở ven vùng sông miệt Hậu Giang, nước ngọt.

Có nhiều người chưa hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh...

Ở Hậu Giang, mỗi năm vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người ở đây gọi là mùa nước nổi, làm cho cây điên điển ở đây trở nên xanh tươi, rợp bóng cả bờ sông, bờ rạch... tạo nên một khung cảnh sông nước đã đẹp thêm hữu tình và thơ mộng.

Rồi gió lạnh nhè nhẹ thổi về, nắng bắt đầu vàng và cây điên điển bắt đầu trổ bông vàng rực rỡ, oằn rủ xuống tận mí nước bên bờ sông, điểm tô cho trời đất phương Nam thêm đẹp lên.

Trời vừa dứt mùa mưa, nước dâng cao hơn thì cả rừng điên điển đã trĩu nặng bông và bắt đầu rơi rụng. Cả dề bông điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp vào bờ sông, bềnh bồng theo cơn sóng, ôi thật đẹp!

Rồi có người nghĩ ra cách chế biến thành thức ăn mà tới nay trở thành “quốc hồn quốc túy”.

Người miền Nam gọi hoa là bông, và có thói quen dùng bông làm thức ăn, thể hiện cái triết lý ăn uống “thực tế - có gì ăn nấy”, không câu nệ, nguyên tắc.

Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
(Ca dao miền Nam)

Bông bí, bông bầu, bông mướp được dùng nấu canh với tôm rất ngon. Có người dùng để “um” với mỡ hay với hột vịt. Nhiều thì luộc để chấm với món kho, món mặn, như rau luộc, ăn rất ngọt và rất bùi.

Bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh là món ngon và cao cấp, dùng để xào tôm, xào thịt. Nay thời buổi văn minh người ta đã chuyên trồng cải lấy bông - gọi là ngồng cải. Bông cải bẹ xanh cho vị cay, thơm dùng để chế món bột cải, bờ tạt (mustard). Người ở vườn còn dùng bông chuối - bắp chuối - để luộc nấu canh chua ngon độc đáo.

Còn bông vạn thọ cũng được dùng như loại rau thơm, phụ gia cho các món gỏi tôm, gỏi cua, cũng không kém phần hấp dẫn.

Riêng bông so đũa thì thôi phải khỏi chê rồi. Bông so đũa cũng trổ vào mùa nước nổi, nước lên, nhưng ở vùng nào cũng có, dễ trồng, mau lớn. Bông so đũa dùng để luộc ăn với mắm tôm chà Gò Công thì mới biết! Còn món bông so đũa nấu canh chua thì từ lâu đã có mặt trong danh mục ẩm thực của ta rồi. Mấy ông, mấy bà già xưa thường nói bông so đũa ăn rất độc, dễ bị rét và khuyên người “yếu trong mình” không nên ăn (?)

Trở lại bông điên điển với các món ngon của nó. Người Sài Gòn, người ở vùng Tiền Giang thường được thưởng thức món bông điên điển làm dưa chua.

Dân miệt quê quen gọi các món làm chua là dưa chua, như dưa cải, dưa kiệu, dưa hành, dưa giá.... Bông điên điển làm dưa chấm với cá kho, tôm kho, thịt kho thì ngon vô cùng: Nó vừa chua, vừa mặn, hơi nhẫn đắng, giòn giòn, ngon lạ, ăn rất bắt cơm, không có gì so sánh bằng.

Ở các quán cơm bình dân, quán cơm loại phục vụ cho dân nghèo, bến xe, vỉa hè, như loại quán cơm bụi ngày nay, thường có món dưa chua bông điên điển. Nó được nhiều người thích, tìm ăn bởi lẽ rất ngon, hiếm chỉ có vào mùa nước nổi mà thôi.

Ăn dưa chua bông điên điển, ngon, khoái khẩu nhưng phải về tận quê hương điên điển mới thấy hết được mùa bông điên điển nở vàng rộ vào mùa nước nổi, bao la bát ngát, đẹp lạ thường như thế nào. Hồi đó xưa lắm, dân mình nghèo, vào mùa giáp hạt, nhà hết gạo, phải nấu cháo độn với bông điên điển ăn cầm hơi!

Nay thì người dân ở đây khá hơn xưa, sống biết lo trước lo sau, biết tận dụng mùa bông điên điển để kiếm tiền. Người ở đây sáng sớm bơi ghe cặp bờ sông vớt bông điên điển đem về làm chua, bán lại cho thương lái. Bông điên điển vớt đem về rửa sạch, lựa bỏ lá úa, bông hư, để ráo nước và ngâm nước muối, hai ngày là thành dưa chua bông điên điển ăn được rồi. Có người còn ngâm giá sống chung với bông điên điển làm ra món dưa chua vừa mang hương vị dưa giá vừa hương vị dưa bông điên điển.

Bông điên điển còn dùng để ăn sống như ta ăn rau ghém, rau thơm, rất ngon, hấp dẫn và thật khó tả hết được. Bông điên điển ăn sống không phải là loại vớt dưới nước như loại làm dưa chua, mà phải tươi, hái từ trên cây. Theo chân người ở đây đi hái bông điên điển mới thấy hết được cái sức sống, óc sáng tạo của người miệt này.

Với chiếc xuồng ba lá, chen lách vào đám điên điển, dùng chiếc dầm, đập nhẹ vào cành, vào thân thì có biết bao bông điên điển rớt xuống khoan ghe. Cành thấp thì dùng tay rung nhẹ cũng tha hồ mà hứng bông. Cứ thế mà lần từ cây này đến cây khác, không mấy lát là dư ăn, đem ra chợ bán kiếm tiền.

Bông điên điển ăn sống cho ta một hương vị khác. Đi vòng chợ Châu Đốc mới thấy hết được cách ăn món bông điên điển sống của bà con ở miệt này. Đầu tiên là món bún nước lèo kiểu Sóc Trăng, kiểu người Khmer hoặc bún mắm kiểu cách Việt Nam, ăn với bông điên điển.

Múc một tô bún nước lèo hay bún mắm đang sôi trong soong cho vào tô trộn với bông điên điển, cho thực khách một món ăn dân dã, đạm bạc, đơn sơ, nhưng hương vị độc đáo, không tìm đâu có được. Hoặc theo chân dân thổ địa về nhà thưởng thức món lẩu chua với bông điên điển thì mới biết thêm cách ăn mới lạ nữa, mà trong đời bạn chưa hề ăn, chưa hề biết.

Mùa bông điên điển là mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Con cá linh trời cho, mùa này theo con nước đổ về nhiều vô kể. Chọn con cá linh vừa phải, cỡ bằng ngón tay, nấu một lẩu nước me chua, nêm nếm vừa chua, vừa cay, vừa ngọt, cho cá linh vào. Thế là ta có một nồi lẩu cá linh đầu mùa hết sẩy luôn!

Trên bàn bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, tha hồ bạn nhúng lẩu... Chỉ độc nhứt bông điên điển thôi, nếu kèm theo thêm loại rau sống khác sẽ làm mất mùi ngon của bông điên điển. Gắp con cá linh, chấm nước mắm trong, loại ngon, cắn thêm trái ớt cay... đó là món ngon tổ tiên thời khai hoang, truyền lại cho ta.

Ngon hơn nữa phải có vài ba người bạn “tâm đầu ý hợp”, thù tạc bên ly rượu đế - nước mắt quê hương - thì buổi tiệc kéo dài qua đêm. Ngoài ra món bông điên điển tươi còn được dùng để xào tôm, xào tép hoặc nấu canh chua, cho ta bữa cơm ngon, đầy hương vị đồng quê Vào mùa này, các gánh bánh xèo cũng dùng món bông điên điển để chiêu dụ khách hàng. Ăn bánh xèo với bông điên điển ngon đến đổi no hồi nào mà ta không hay, không biết!

Có một món ngon nữa từ bông, xin kể ra kẻo quên. Đó là bông súng. Bông súng là loại mọc dưới nước như bông sen, nhưng lá nhỏ, bông nhỏ hơn.

Ở miệt quê miền Nam, bông súng mọc hoang dã dưới ruộng, đìa, ao, đầm vào mùa mưa. Trong các ao làng, ao chùa, ao đình, nước ngọt quanh năm người ta thường thả bông súng hoặc bông sen. Lá súng nổi trên mặt nước, bông súng vượt hẳn lên cao giống như bông sen.

Ở quê, lớn nhỏ, giàu nghèo ai cũng đã ăn qua món bông súng, nhứt là món bông súng - mắm kho. Nói là ăn bông súng chớ thật ra là cái phần dưới bông súng, nối bông với gốc cây súng.

Bông súng thường ăn với mắm kho như ta ăn rau dừa, rau nhút, hay rau chốc, rau bồn bồn vậy. Có lẽ món bông súng-mắm kho là hấp dẫn nhứt vì được nhiều người ưa chuộng, nay các nhà hàng sang trọng bày bán chiêu dụ khách thích ăn món đồng quê, dân dã trong đó có bà con Việt Kiều.

Bông súng trước khi ăn phải tước vỏ như ta tước vỏ bạc hà nấu canh chua, ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay, rửa sạch và để vào thau, vào dĩa bự. Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bóc khói thơm bát ngát. Vừa húp mắm vừa cắn cọng bông súng, hoặc có người bẻ cọng bông súng cho vào chén, chan mắm kho, lùa vào miệng trông ngon lành.

Bông súng nhai nghe giòn giòn, cứng mà không xốc miệng, có cái hậu ngọt, ăn nhiều không bị ê miệng hay rát lưỡi như ăn rau nhút.

Nếu vào nhà hàng sang trọng ở Saigon chuyên các món miệt vườn, tìm ăn mắm kho - bông súng, xin mách nhỏ với bạn một chiêu để “lấy le” cùng mấy cô hầu bàn nhé. Khi order bông súng bạn nhớ lưu ý cô hầu bàn rằng phải là bông súng trắng mới được chớ bông súng Đà Lạt tuy cọng bự bằng ngón tay nhưng cứng và lạt, không ngon. Nghe bạn dặn dò, cô phục vụ biết bạn là dân chơi, dân sành ăn và chắc gốc là người miệt quê rồi. Biết đâu sau bữa ăn cô ta đem lòng thương bạn không chừng?

Nói gì thì nói chớ muốn ăn mắm kho - bông súng ngon lành, điệu nghệ, như là cái gì quốc hồn quốc túy thì phải về tận gốc, đến tận nguồn của nó.

Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Đồng Tháp)

Trần văn Chi